Thị trường lao động của Trung Quốc đang đứng trước nhiều thách thức. (Nguồn: China Daily) |
Không những thế, thị trường việc làm của Trung Quốc thời gian tới được nhận định cũng sẽ phải chịu không ít tác động tiêu cực.
Nguyên nhân chính là thời gian qua, các công ty công nghệ Trung Quốc đang vướng tin đồn về việc buộc phải sa thải hàng chục nghìn nhân viên. Cụ thể, theo Reuters, Alibaba có thể cắt giảm hơn 15% tổng số lao động, tương đương khoảng 39.000 nhân viên. Trong khi đó, doanh nghiệp giao đồ ăn Ele.me và các dịch vụ giao hàng công nghệ khác có ý định sa thải tới 25% nhân viên của mình.
Các tin đồn về đợt cắt giảm nhân sự lớn sắp đến đã xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc trong hơn một tuần qua. Cư dân mạng nước này đã bị sốc khi biết các nhóm nhân viên công nghệ giỏi nhất ở Trung Quốc đang phải đối mặt với việc bị sa thải.
Mặc dù không có số liệu thống kê chính xác về số lượng người lao động mất việc trong những tháng gần đây, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc vẫn ở mức ổn định.
Rất nhiều nhân viên công nghệ tại Tencent, Alibaba và ByteDance nói rằng họ không chắc liệu các báo cáo có chính xác hay không, nhưng họ đã chuẩn bị tinh thần cho việc tinh giảm này. Nếu tin đồn là thật, đây thực sự là điều đáng tiếc bởi công nghệ từng là lĩnh vực tạo việc làm mạnh nhất cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong bối cảnh sẽ có khoảng 10 triệu sinh viên mới tốt nghiệp tham gia thị trường lao động vào mùa Hè năm nay, cộng với việc số lượng lao động trẻ tìm kiếm việc làm mới tăng vọt, không ít chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, thị trường lao động của Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Đó là còn chưa kể đến các yếu tố khác như ảnh hưởng kinh tế từ cuộc khủng hoảng Ukraine hay làn sóng dịch Covid-19.
Chính quyền Trung Quốc cũng đã thể hiện sự quan tâm đối với tình trạng thất nghiệp có thể xảy ra này. Theo SCMP, trong báo cáo về việc làm mới nhất, chính phủ Trung Quốc khẳng định sẽ duy trì mức tăng trưởng GDP 5,5%, đồng thời giữ tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dao động trong phạm vi hẹp từ 4,9 đến 6,2%.
Một số người làm việc cho những gã khổng lồ công nghệ thậm chí còn cho biết họ đang tính đến viễn cảnh bị sa thải, và coi đó là cơ hội để bắt đầu lại cuộc đời. Nhiều người cho biết họ không thích văn hóa làm việc tại các công ty công nghệ, nhưng đã cố gắng ở lại vì được trả lương cao.
Julia Feng, một sinh viên kế toán 23 tuổi chuẩn bị tốt nghiệp vào tháng Sáu này cho biết, cô từng mơ ước được làm việc tại một công ty công nghệ hàng đầu, được hòa mình vào “nền văn hóa sôi động” của các công ty. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, cô Feng cho rằng làm việc trong các cơ quan nhà nước là sự lựa chọn tốt nhất, bởi công việc đó đem lại cảm giác an toàn hơn.