Cảnh trong phim 12 Years A Slave. |
Lễ trao giải Quả cầu Vàng 2014 đã kết thúc ngày 12/1 với nhiều kết quả không nằm ngoài dự đoán. Giải năm nay vẫn có sự xuất hiện của dàn sao trên thảm đỏ như Orlando Bloom, Sandra Bullock, Leonardo DiCaprio, Jennifer Lawrence… Những nghệ sĩ sáng giá vẫn giành được những giải thưởng quan trọng nhất như Matthew McConaughey (Nam diễn viên chính xuất sắc nhất Phim chính kịch), Cate Blanchett (Nữ chính xuất sắc nhất Phim chính kịch), Leonardo DiCaprio (Nam Diễn Viên Chính phim Hài/Ca Nhạc xuất sắc nhất), Michael Douglas (Nam diễn viên chính Phim truyền hình một tập xuất sắc nhất)...
Tuy nhiên, dư âm của Quả cầu Vàng lần thứ 71 lại ở sự lắng đọng của những câu chuyện cùng những bộ phim khá đặc biệt.
Giống như "truyện cổ Grimm"
Khi Lễ trao giải Quả cầu Vàng 2014 đang dần về cuối, những người ủng hộ bộ phim 12 Years A Slave (tạm dịch: 12 năm nô lệ) đã bắt đầu lo lắng vì phim nhận được 7 đề cử nhưng lần lượt 6 hạng mục trôi qua mà vẫn chưa có thành viên nào của đoàn làm phim được xướng tên. Thế rồi, vào giây phút cuối cùng, bộ phim dựa trên đời thật của một người nô lệ đã có được giải Phim chính kịch hay nhất - giải thưởng duy nhất nhưng lại là quan trọng nhất.
12 Years A Slave dựa trên hồi ký cùng tên xuất bản năm 1853 của Solomon Northup. Phim kể về một nghệ sỹ violin da màu đang sống hạnh phúc cùng vợ và hai con gái ở bang New York bỗng bị đánh thuốc mê rồi bị đem bán làm nô lệ vào năm 1841, cuối cùng được thả tự do vào năm 1853. Khắc họa chân thực chế độ nô lệ tàn bạo, nhưng theo đạo diễn Steve McQueen, bộ phim nói về tình yêu: "Nó là tất cả những gì Solomon bấu víu vào để hy vọng, giữ lấy cho tâm hồn mình và trở về với gia đình”.
Với kinh phí chỉ khoảng 20 triệu USD nhưng phim lại có sức lay động lớn với những chi tiết diễn tả xuất sắc nội tâm của người nô lệ. Khi nhận giải, Steve McQueen đã dành lời cám ơn tới vợ - người đã tìm thấy cuốn hồi ký của Solomon Northup: “Ngay khi mở cuốn sách, tôi đã không thể bỏ nó xuống. Tôi choáng váng và ngạc nhiên bởi câu chuyện có thật mà khó tin này. Đọc nó như đọc truyện cổ Grimm".
Bức tranh đẹp đến từ Italy
Vượt qua nhiều bộ phim xuất sắc của Nhật Bản, Iran, Đan Mạch, Pháp, The Great Beauty của Italy đã giành giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất. Như vậy, phải hơn hai thập kỷ sau khi bộ phim Cinema Paradiso (1989) của đạo diễn Giuseppe Tornatore đoạt giải Quả cầu Vàng, điện ảnh Italy mới có một tác phẩm lặp lại được kỳ tích này.
The Great Beauty kể về Jep Gambardella - một nhà văn, tiểu thuyết gia nổi tiếng đồng thời cũng là vị vua của đời sống thượng lưu. Thành công với cuốn sách duy nhất ra đời cách đây 40 năm, cuộc sống của Jep Gambadella gắn liền với những cuộc vui thâu đêm, đến nỗi buổi sáng giống như một thứ gì đó quá xa lạ với ông.
Tuy nhiên, sau buổi tiệc mừng sinh nhật lần thứ 65, Jep Gambadella bắt đầu thay đổi cách nhìn. Và rồi khán giả được dõi theo bước chân của ông đi qua khắp mọi ngóc nghách trong thành phố Rome để quan sát, lướt qua nhiều người và hồi tưởng lại quá khứ tốt đẹp. Cuộc dạo chơi của Jep Gambadella đã vẽ lên một bức tranh với đủ mọi màu sắc, sống động và quyến rũ của Italy. Có thể nói, The Great Beauty của đạo diễn Paolo Sorrentino là bộ phim tuyệt đẹp từ câu chuyện, nhân vật tới từng khung cảnh và phục trang nhân vật.
Ca khúc dành cho Nelson Mandela
Từng lập kỉ lục bộ phim đạt được doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Nam Phi và có mặt tại nhiều liên hoan phim quốc tế, Mandela: Long Walk to Freedom (tạm dịch: Mandela: Hành trình dài đến tự do) được chuyển thể từ cuốn tự truyện cùng tên của cố Tổng thống Nam Phi đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người. Tuy không được vinh danh tại Lễ trao giải Quả cầu Vàng năm nay nhưng ca khúc chính của phim - Ordinary Love đã giành được giải Bài hát trong phim hay nhất.
Theo nhóm nhạc nổi tiếng U2, việc tham gia vào bộ phim đã hoàn tất hành trình dài nhiều thập kỷ của ban nhạc với cố Tổng thống Nam Phi. Ca sĩ Bono, trưởng nhóm U2 từng có một ca khúc dành tặng cho ông Nelson Mandela là 46664 - số hiệu tù nhân của ông trong những năm tháng đấu tranh vì tự do và hòa bình.
“Người đàn ông này đã đảo ngược cuộc sống của chúng tôi, theo hướng tích cực. Ông không căm ghét ai không phải bởi ông không giận dữ, căm thù, mà bởi ông nghĩ, tình yêu sẽ làm mọi thứ tốt đẹp hơn”, Bono nói.
HÀ ANH