Theo tiếng tăm Làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên truyền thống (Làng gỗ La Xuyên), tôi tới vùng ngoại ô thành phố Nam Định, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên. Nghe câu trả lời cán bộ thị trường gỗ Nguyễn Mạnh Cường đùa vui: “À, cái làng giàu của Nam Định đấy thì dễ tìm thôi. Tôi cũng một thời cơm trộn mùn cưa nơi đây. Các nghệ nhân nổi tiếng của làng này tôi đều biết”. Vừa nói, anh vui miệng đọc câu ca xưa:
Giai nhân con cháu Cái Nành*
Dẫu không khoa bảng cũng thành nghệ nhân.
Sự cởi mở, vui tính của anh đã mở đầu chuyến tham quan thú vị tới La Xuyên của chúng tôi như thế.
Nghệ nhân Phạm Quốc Hùng và cán bộ thị trường Nguyễn Mạnh Cường đang trao đổi về sản phẩm mà gần đây người tiêu dùng đang quan tâm. (Ảnh: MH) |
Độc đáo làng nghề
Đúng như giới thiệu, làng gỗ La Xuyên nằm ngay trên đường quốc lộ 10, rất dễ nhận ra. Đặc biệt, so với nhiều làng nghề khác, “Làng giàu” như một Trung tâm thương mại lớn - một đại công xưởng về gỗ. Một bên là dãy các siêu thị đồ gỗ, bên kia là hàng loạt các xưởng chế tác nằm ngay mặt tiền phố gỗ trên đất “khu công nghiệp làng nghề La Xuyên”. Từ xa, tôi đã nghe râm ran tiếng cưa, tiếng đục đẽo lách cách trầm bổng. Có lẽ, thứ đậm chất “Làng” còn đọng lại nơi đây chính là ngôi đình cổ La Xuyên trầm mặc ngay đầu làng.
Bước chân trên con đường làng rộng, một cửa hàng, với các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ đậm chất truyền thống như sập gụ, tủ chè, ban thờ, tượng gỗ, tranh khảm trai, bên cạnh những chiếc đồng hồ đứng tường lớn, vừa truyền thống vừa hiện đại đã thu hút tôi. Đó là cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ Hoài Hùng với những sản phẩm rất tinh xảo. Thì ra, đây là cửa hàng của hai nghệ nhân cha truyền con nối là nghệ nhân Phạm Văn Bút và nghệ nhân Phạm Quốc Hùng với nhiều đời làm nghề chạm khắc gỗ ở làng La Xuyên.
Chị Hoài, vợ anh Phạm Quốc Hùng kiêm cô bán hàng duyên dáng dẫn tôi đi xuyên qua cửa hàng gỗ tới một xưởng gỗ rộng chừng 500 m2, nơi chồng chị đang “cầm tay chỉ việc” cho thợ chạm bức “cuốn thư” với những đường đục sắc gọn. Anh chia sẻ với tôi mà cũng là nói với thợ: “Phải yêu nghề, chịu khó, nghề không bao giờ phụ lòng người. Mình làm ra sản phẩm tốt, đẹp thì khách hàng sẽ đến với mình. Tôi mới chỉ 40 cái xuân xanh mà đã qua 30 năm tuổi nghề, nhưng giờ tôi vẫn còn đang phải học đây”.
Anh Phạm Quốc Hùng chia sẻ: “Các sản phẩm thủ công chạm khắc gỗ - nghề truyền thống ở La Xuyên không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống dân sinh, mà còn là những sản phẩm văn hóa. Bởi lẽ, các sản phẩm đó là kết quả từ quá trình lao động, sáng tạo mang đậm dấu ấn tinh hoa của đất và người La Xuyên từ bao đời nay”.
Có lẽ, sự học hỏi, vươn lên không ngừng của người thợ lành nghề và tinh thần chủ động tiếp cận những mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của lối sống hiện đại đã giúp những sản phẩm của La Xuyên chu du khắp các thị trường từ trong nước đến các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào và thậm chí thâm nhập cả vào thị trường châu Âu.
Người thợ La Xuyên có một nguyên tắc khi làm nghề, đó là sản phẩm nào quy cách mười phân thì nó phải chuẩn mười phân. Thứ hai là kỹ thuật các khớp nối luôn mềm mại và khít sát đến nỗi nhiều khi mắt thường không thể nhận ra. Đơn cử như các sản phẩm gỗ khảm trai, người tinh nghề chỉ cần nhìn mối ghép thì biết ngay kỹ thuật thế nào, tay nghề thợ có cao không, có phải do nghệ nhân làm không.
Anh Nguyễn Mạnh Cường bật mí về những kinh nghiệm chọn hàng của mình: “Một sản phẩm mà đẹp, khắc hình con chim, hay hoa… là nó phải có hồn. Con chim nhìn tứ diện nó đều giống nhau và sống động. Đó là sản phẩm kỹ nghệ cao. Tôi thích một điểm nữa là người làng La Xuyên làm gỗ nào thì nói gỗ đó. Khi người ta nói đó là sản phẩm gỗ hương thì nó luôn là gỗ hương nhóm một gỗ tốt vân đẹp, chứ không phải làm từ gỗ xà cừ, giá trị thấp hơn rất nhiều lần. Cái này thì người đi mua khó biết được”.
Sản phẩm chạm khắc gỗ tinh xảo. (Ảnh: MH) |
Sống chung với đại dịch
Vào dịp cuối năm, gần như mọi làng nghề đều nhộn nhịp. Làng gỗ cũng không phải ngoại lệ bởi nhu cầu mua sắm, trang hoàng nhà cửa của người dân tăng cao. Những chuyến xe chở hàng ra vào La Xuyên tấp nập ngày đêm. Tiếng đục đẽo, tiếng cưa rộn ràng từ sớm tinh mơ cho đến tối muộn.
Do đại dịch Covid-19 nên lượng công nhân đã giảm còn khoảng 1/3. “Làng giàu” với 100% dân làng làm nghề gỗ, mỗi gia đình nghệ nhân nơi đây có thể là một doanh nghiệp, với khoảng 30 công ty và trên 1.000 cơ sở sản xuất với hơn 1.000 thợ lành nghề luôn sẵn sàng làm việc. Sau nhiều tháng trầm lắng vì dịch bệnh, khoảng 60% số thợ đang miệt mài tạo tác ra những sản phẩm tinh xảo trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022. Tuy vậy, thu nhập bình quân của người thợ ở đây vào thời điểm này chỉ đạt khoảng 200.000 đồng/ngày, thợ giỏi có thể tới 400.000 đồng/ngày.
Nhờ có thương mại điện tử, mạng xã hội và các trang quảng cáo trực tuyến hay chính các ứng dụng Zalo, Facebook cá nhân đã cứu làng nghề trong thời điểm các yêu cầu giãn cách liên tục được đưa ra nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Trước kia, hầu như khách hàng trực tiếp đến cửa hàng chọn mua thì nay Internet lại là kênh chính.
Nghệ nhân Phạm Quốc Hùng cho biết, trong quá trình khó khăn vì dịch Covid-19, chính quyền đã có những cơ chế hỗ trợ khối doanh nghiệp như vay vốn ngân hàng đã giảm lãi suất, thuế xuất khẩu, nhiều khâu trong xuất khẩu được mở cửa hơn. Tuy nhiên lại chưa có cơ chế hỗ trợ tương tự đối với các hộ sản xuất gia đình.
“Ở La Xuyên còn rất nhiều hộ cá thể sản xuất tự phát. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch khi hàng thì không bán được, vốn thì thiếu. Vì thế, tôi luôn mong có một chính sách nào đó nhằm hỗ trợ riêng cho các hộ cá thể ở các làng nghề nói chung, bởi dân làng nghề ở đâu thì cũng khó khăn cả”, anh chia sẻ.
Mải mê ngắm nghía từng sản phẩm tinh xảo trong xưởng, anh Nguyễn Mạnh Cường bật mí lý do về La Xuyên là: “Trải qua lần đại dịch Covid-19 này và cũng là người từng học nghề tại đây, tôi thấy rất cần có một Khu triển lãm – một chợ thương mại điện tử riêng cho La Xuyên, với những sản phẩm chất lượng cao, các tạo tác độc bản, với hình ảnh 3D. Vì vậy, tôi ấp ủ một kế hoạch, giúp làng La Xuyên xây dựng một website song ngữ Việt - Anh để tiếp thị riêng và sâu cho các sản phẩm chất lượng, giúp chúng đến thẳng với người tiêu dùng trong và các doanh nghiệp nước ngoài”.
Chia tay làng gỗ La Xuyên khi trong làng vẫn rộn ràng những âm thanh quen thuộc. Tôi vẫn mãi ấn tượng bởi cách rất riêng của làng gỗ La Xuyên vừa giữ được nét đẹp truyền thống, mà vẫn đồng hành phát triển cùng nền kinh tế đất nước.
La Xuyên chuẩn bị bước vào những ngày Tết con Hổ với Lễ Rước lửa – nghi thức không thể thiếu trong đêm Giao thừa. Việc rước lửa từ điện thờ ra sân đình rồi truyền cho từng người phải thực hiện tuần tự, trang nghiêm, tạo không khí linh thiêng nơi cửa đình vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Ngọn lửa đêm Giao thừa ấm áp xua tan khí lạnh, đem lại niềm tươi sáng cho mọi người, đồng thời cũng là may mắn, “cái đỏ” của đầu năm cho các gia đình người dân làng nghề.
Bao đời qua, người La Xuyên duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống này để truyền ngọn lửa đam mê, giáo dục tinh thần đoàn kết, trách nhiệm giữ nghề cho con cháu.
(*Vùng Cái Nành xưa nay là đất La Xuyên).