Làng quê Nhật Bản cũng chật vật duy trì các lễ hội cổ
14:43 | 08/10/2018
Tỷ lệ sinh thấp, thiếu kinh phí và tình trạng ngày càng nhiều người trẻ chuyển lên thành phố buộc các làng quê Nhật Bản phải hủy bỏ nhiều lễ hội truyền thống lâu đời.
Trong nhiều thế hệ, những lễ hội lâu đời tới mức không ai rõ chúng bắt nguồn từ đâu, là sợi chỉ gắn kết gần như mọi cộng đồng người dân Nhật Bản. Vào tháng 2, đàn ông mặc khố tham gia lễ hội Hadaka Matsuri ở tỉnh Okayama, còn tại tỉnh Akita, người dân đeo mặt nạ quỷ, mặc quần áo từ rơm diễu hành quanh đền Shinzan và đường phố Oga. Tháng 8, có thể kể đến lễ hội Yosakoi thường niên khi các vũ công biến đường phố Kochi thành bữa tiệc sắc màu. (Nguồn: SCMP)
Tuy nhiên, ngoài những lễ hội thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách từ xa tới, nhiều phong tục truyền thống khác đang đối mặt với nguy cơ biến mất khi làng quê dần thu hẹp. Người trẻ chuyển tới thành phố để tìm việc, còn nguồn quỹ dành cho các loại hình giải trí và hoạt động thờ cúng ngày càng thu hẹp. Với tình trạng dân số giảm trầm trọng ở nông thôn Nhật Bản, một số cộng đồng buộc phải ngừng thực hiện truyền thống của ông cha. (Nguồn: SCMP)
Lễ hội bùn, Doronko Matsuri, thường được tổ chức ở tỉnh Ehime vào đầu mùa cấy. Những người nông dân và bò của họ cày cấy dưới ruộng, trong khi thanh niên tự trầm mình trong bùn. Cuối ngày, sau khi đã gột rửa, dân làng tập trung ở một đền thờ gần đó để cầu vụ mùa bội thu. (Nguồn: SCMP)
"Chúng tôi không chắc lễ hội bắt đầu từ khi nào, nhưng tôi đoán nó tồn tại từ cách đây khoảng 140 năm”, Miki Chiba, quan chức tại văn phòng quận Seiyo, tỉnh Ehime, cho biết. 10 năm trước, hơn 700 người dân địa phương và hàng nghìn người sẽ tới xem lễ hội, nhưng ngày nay, dân số làng chỉ là 300 và chẳng ai còn nuôi bò. (Nguồn: SCMP)
“Người dân thị trấn Shirokawa đáng lẽ đã được tham gia sự kiện năm nay hôm 1/7 nhưng họ phải hủy vì không có đủ người tham dự”, bà Chiba chia sẻ. “Tỷ lệ sinh thấp và người trẻ chuyển đi khiến dân số thị trấn giảm. Dù một số người nói rằng, chúng tôi nên tiếp tục tổ chức lễ hội, việc này là bất khả thi bởi không đủ người. Tất cả người dân đều rất buồn vì sự kết thúc của nó”. (Nguồn: Japan Agriculture News)
Theo Nippon Matsuri Network - một tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ di sản nông thôn, Nhật Bản hàng năm có tới 300.000 lễ hội. Tuy nhiên, tờ Sankei cho biết, khoảng 40 sự kiện truyền thống tại 20 tỉnh đã bị ngừng hoặc đình chỉ vào năm 2016 và con số này có thể sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. (Nguồn: SCMP)
“Các lễ hội nổi tiếng nhất của người Nhật là Aomori Nebuta và Awa Odori. Các sự kiện như Lễ hội Gion ở Kyoto hay Chichibu cũng được biết đến trên toàn thế giới, nhưng những sự kiện ít phổ biến hơn thì đang gặp khó khăn trong việc duy trì, bởi không có đủ người và cũng không có tiền tổ chức”, Hideo Nigata, phó chủ tịch Nippon Matsuri Network nói với This Week in Asia. (Nguồn: Japan Times)
“Điều tôi sợ là nếu lễ hội bị hủy bỏ, sự biến mất của chính cộng đồng tạo ra lễ hội đó là không thể tránh khỏi”, ông Nigata nói thêm. “Tổ chức của tôi được lập ra để khuyến khích nhiều người tới tham gia, làm các lễ hội trở nên nổi tiếng trở lại, qua truyền hình, Internet và nhiều phương tiện khác". Ông khẳng định: "Chỉ có nguồn lực con người mới có thể giúp các lễ hội này”. (Nguồn: Japan Times)
Thị trấn Kanegasaki-cho, thuộc tỉnh Iwate phía Đông Bắc Nhật Bản, đang chủ động bảo tồn Lễ hội Vũ điệu Nai, một phần di sản từ thời Edo (1603-1868). “Dân số ở thị trấn tương đối ổn định vì chúng tôi có ngành công nghiệp như nhà máy Toyota và các công ty liên doanh. Tuy nhiên, vũ điệu Nai đang dần biến mất ở một số làng lân cận. Nhiều lễ hội gắn liền với nông nghiệp nhưng số nông dân ít ỏi còn lại giờ dùng máy kéo thay vì gia súc và ngày càng ít đền tổ chức lễ hội mùa”, Hidekatsu Asari, người quản lý trung tâm lịch sử thị trấn, cho biết. (Nguồn: SCMP)
Không những thế, một số truyền thống khác cũng bị gạt bỏ. "Việc thờ cúng tổ tiên đã thay đổi. Obon (lễ hội thường niên tưởng nhớ tổ tiên) vốn là thời điểm tất cả mọi người quay về làng để đoàn tụ gia đình, nhưng giờ nó là quãng thời gian nhiều người đi xa để nghỉ lễ thay vì tham gia sự kiện cộng đồng”, ông Asari nói. (Nguồn: Flickr)
Ông Asari đang quyết tâm giữ gìn truyền thống cho thế hệ sau. Theo ông, các lễ hội cổ như Vũ điệu Nai sẽ giúp gắn kết cộng đồng và nên được khuyến khích. "Nếu bạn trò chuyện với người lớn tuổi hơn, họ sẽ nói với bạn rằng họ thấy buồn và cô đơn khi lễ hội dần biến mất. Đó là một phần cuộc sống khi họ lớn lên”, ông Asari chia sẻ. “Đây là lý do chúng tôi bắt đầu tới các nhà trẻ và trường mẫu giáo địa phương để dạy bọn trẻ về những điệu nhảy, từng bước một và cho chúng mặc trang phục lễ hội để khi đã lớn, bọn trẻ sẽ có cảm giác muốn duy trì lễ hội và truyền lại cho thế hệ tương lai”. (Nguồn: Gogotohoku News)