Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã chủ trì buổi Tọa đàm giữa lãnh đạo thành phố và các viên chức ngoại giao, báo chí thường trú tại Việt Nam. (Ảnh: Bảo Lan) |
Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Ngoại giao, lãnh đạo UBND thành phố và một số Sở, Ngành của thành phố; Đại diện các cơ quan ngoại giao tại Hà Nội và lãnh sự đoàn tại Tp. Hồ Chí Minh; Đại diện các Doanh nghiệp FDI tại TP. Hồ Chí Minh; Cùng một số viên chức văn hóa - báo chí cơ quan ngoại giao các nước, phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, ông Dương Anh Đức cho biết, mặc dù hiện nay thành phố cũng đã dần trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Nên thành phố đã phải làm gấp đôi việc: vừa tập trung phòng, chống dịch và vừa phải tính toán lộ trình để phục hồi kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch thành phố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, để thực hiện thành công thành phố đã đặt ra ba mục tiêu trọng tâm, gồm:
Tập trung cao nhất cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng và nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI; Duy trì, nâng cao chất lượng mô hình chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, thu hút khu vực dân doanh và đồng hành cùng doanh nghiệp; Tuân thủ Chiến lược tổng thể quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và quy định chi tiết công tác phòng, chống dịch phù hợp thực tiễn tại Thành phố.
Xác định một số mục tiêu nhằm hướng đến phát triển bền vững về kinh tế -xã hội - môi trường; Đảm bảo quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế; Chú trọng vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu; Thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác. Tận dụng tối đa mọi nguồn lực để cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế số; Chú trọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh chụp hình lưu niệm với đại diện các cơ quan ngoại giao, báo chí và doanh nghiệp tham gia sự kiện. (Ảnh: Bảo Lan). |
Chủ trương phục hồi kinh tế theo giai đoạn, trước hết tập trung cho phục hồi hoạt động sản xuất, ổn định đời sống của người dân. Tiếp đến, chuyển những vấn đề được nhận diện thực chất qua đại dịch COVID-19 thành các động lực thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và toàn diện kinh tế - xã hội thành phố. Các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố gắn kết vai trò, vị trí của thành phố với liên kết vùng, đặt trong tổng thể chung của cả nước, góp phần tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ…
Đại diện các cơ quan ngoại giao, báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp FDI đã bày tỏ mối quan tâm lớn về một số vấn đề, như: Biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố đối với nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động nước ngoài khi đến thành phố. Phương hướng đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh tế giữa thành phố với các đối tác nước ngoài; Chương trình mở cửa, phục hồi kinh tế của thành phố sau đại dịch; Lộ trình mở cửa chương trình du lịch tại thành phố…
Ghi nhận sự quan tâm và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại diện cơ quan nước ngoài đối với thành phố. Phó chủ tịch TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố tổ chức buổi tọa đàm là hành động thiết thực, thể hiện sự cầu thị của lãnh đạo và nhân dân thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, đồng hành của các cơ quan ngoại giao, các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài đối với quá trình phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
“TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đang chuyển trạng thái từ “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với Covid-19” để hướng tới sự mở rộng hơn, chia sẻ hơn, chấp nhận xây dựng cuộc sống bình thường mới cùng với sự tồn tại của virus Sars-Cov-2 nhưng đảm bảo mọi yếu tố an toàn với dịch bệnh”. Phó chủ tịch Thành phố cũng khẳng định,
Bên cạnh đó, cùng với các địa phương khác, TP. Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực điều chỉnh chính sách, đề nghị Chính phủ xem xét mở lại các chuyến bay thương mại để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch, giao thương, thúc đẩy cơ hội hợp tác đầu tư. Qua đó, góp phần cho sự phát triển kinh tế của thành phố và đất nước.