Ngày 8/1/1994, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký quyết định ban hành Quy chế Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài. Ngày 18/1/1994, Bộ trưởng Ngoại giao bổ nhiệm Lãnh sự danh dự Việt Nam đầu tiên tại Lebanon.
Bước triển khai nhiệm vụ đối ngoại
Trước nhu cầu thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, cũng như hiệu quả công tác bảo hộ công dân nhưng vẫn bảo đảm tính tiết kiệm, trong những năm qua, Việt Nam đã bổ nhiệm nhiều Lãnh sự danh dự ở khắp các châu lục.
Tính từ thời điểm năm 1994 đến nay, Việt Nam đã bổ nhiệm 44 Lãnh sự danh dự Việt Nam tại khắp các châu lục, trong đó có 32 Lãnh sự danh dự đang hoạt động. Bên cạnh đó, hiện nay có khoảng hơn 10 ứng viên Lãnh sự danh dự đang làm thủ tục xin bổ nhiệm Lãnh sự danh dự.
Năm 2020, Bộ Ngoại giao đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-BNG về Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay thế cho Quy chế Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài (1994).
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định đối ngoại có nhiệm vụ quan trọng, đó là “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Nhiệm vụ này đặt ra yêu cầu phát triển, quản lý và nâng cao hoạt động của các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài.
“Việt Nam hết sức coi trọng vai trò của các Lãnh sự danh dự và luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cần thiết để các Lãnh sự danh dự có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình”. (Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng) |
Cầu nối Việt Nam với sở tại
Tại Hội nghị Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài lần đầu tiên được tổ chức vừa qua, lãnh đạo Cục Lãnh sự đánh giá, với sự phủ sóng tương đối rộng rãi của mạng lưới Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài, nhìn chung các Lãnh sự danh dự Việt Nam đang hoạt động rất hiệu quả với nhiều thành tích nổi bật, phục vụ thiết thực cho các định hướng đối ngoại lớn của đất nước như một “binh chủng” đối ngoại đặc biệt của Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ nhất, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước tiếp nhận trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, đầu tư, đến du lịch, văn hóa…
Thứ hai, cung cấp thông tin, hỗ trợ hoạt động của các Cơ quan đại diện và các đoàn công tác Việt Nam trong khu vực của lãnh sự của mình.
Thứ ba, tích cực tham gia công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam trong khu vực lãnh sự của mình. Cụ thể là cung cấp thông tin về bảo hộ công dân, hỗ trợ các hoạt động văn hóa, xã hội; vận động hỗ trợ vật chất cho công dân Việt Nam khó khăn trong khu vực lãnh sự của mình; tiếp nhận, chuyển các giấy tờ quốc tịch, hộ tịch của công dân cho Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ tư, quảng bá hình ảnh Việt Nam ở sở tại thông qua việc tổ chức các sự kiện, hội thảo, dạy học tiếng Việt, xuất bản sách/ấn phẩm về Việt Nam…
Một số Lãnh sự danh dự có thành tích tiêu biểu đã được Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương hữu nghị như: Tổng Lãnh sự danh dự tại Busan (Hàn Quốc), Tổng Lãnh sự danh dự tại Gwangju (Hàn Quốc), Lãnh sự danh dự tại Anvers (Bỉ).
Ngoài ra, rất nhiều Lãnh sự danh dự khác cũng có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo hộ công dân và thúc đẩy quan hệ song phương như Lãnh sự danh dự tại Torino (Italy), Cộng hòa Cyprus, New Caledonia, Colombia, Nepal, Sudan, Lebanon, Bờ Biển Ngà...
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, nhiều Lãnh sự danh dự đã tham gia hỗ trợ, bảo hộ công dân, cụ thể là cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, chính sách y tế của sở tại; đề nghị chính quyền sở tại có biện pháp đảm bảo y tế, an ninh cho công dân Việt Nam; hỗ trợ đăng ký tiêm vaccine, khám chữa bệnh; giúp đỡ, cưu mang công dân gặp hoàn cảnh khó khăn, tham gia hỗ trợ công tác tổ chức chuyến bay giải cứu công dân (giải đáp thông tin về chuyến bay, tập hợp nhu cầu, phỏng vấn các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ việc tổ chức chuyến bay...), là đầu mối triển khai trao tặng khẩu trang của Chính phủ Việt Nam cho cộng đồng người Việt ở sở tại.
Mở rộng, nâng cấp mạng lưới
Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài, Cục trưởng Cục Lãnh sự đã đề xuất một số kiến nghị.
Một là, xây dựng Đề án phát triển hệ thống Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để có cơ sở mở rộng mạng lưới Lãnh sự danh dự và nâng cao hiệu quả của quy mô này.
"Cần thiết lập mạng lưới những người cùng chung ý tưởng, yêu quý và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Thông qua những nhóm này, chúng ta có thể thúc đẩy được đầu tư và thu hút được FDI cho Việt Nam, góp phần cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam”. (TS. Philipp Rosler, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại bang Zug, Thụy Sỹ) |
Hai là, hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến Lãnh sự danh dự. Cụ thể là, Cục Lãnh sự sẽ phối hợp với các Cơ quan đại diện thường xuyên rà soát quy định, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước nhằm xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, giúp bổ nhiệm Lãnh sự danh dự thuận lợi. Về lâu dài, Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng cần có một số quy định riêng về Cơ quan Lãnh sự danh dự do Lãnh sự danh dự đứng đầu.
Ba là, các Cơ quan đại diện căn cứ vào nhu cầu thực tiễn triển khai việc tìm kiếm ứng viên Lãnh sự danh dự phù hợp, chú trọng lựa chọn ứng viên có uy tín trong xã hội, có quan hệ tốt với chính quyền sở tại, cộng đồng doanh nghiệp, có khả năng tài chính để thúc đẩy hợp tác phát triển cũng như thực hiện tốt công tác lãnh sự và bảo hộ công dân tại địa bàn.
Đồng thời, các Cơ quan đại diện ngoại giao cần giữ mối quan hệ thường xuyên với Lãnh sự danh dự để cung cấp thông tin, theo dõi, đôn đốc, quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động của Lãnh sự danh dự, đồng thời giữ mối quan hệ với các đơn vị trong nước để hỗ trợ hoạt động của Lãnh sự danh dự.
Bốn là, tăng cường theo dõi quản lý chung các hoạt động của các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trên cơ sở nguyện vọng và kết quả hoạt động của Lãnh sự danh dự,cùng với đánh giá, đề xuất của Cơ quan đại diện, Cục Lãnh sự sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ để xem xét, kiến nghị Bộ trưởng Ngoại giao quyết định tiếp tục bổ nhiệm hoặc chấm dứt hoạt động của các Lãnh sự danh dự.
Năm là, tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm, tổng kết nâng cao hiệu quả hoạt động của các Lãnh sự danh dự và thúc đẩy hợp tác phát triển hơn nữa với các địa bàn có Lãnh sự danh dự.
Sáu là, tăng cường các hoạt động giới thiệu với các Lãnh sự danh dự về văn hóa, đất nước con người Việt Nam để họ thêm gắn bó, hiểu biết và giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam ở sở tại.
Bảy là, kịp thời có hình thức khen thưởng, động viên với các Lãnh sự danh dự có thành tích xuất sắc nhằm biểu dương, lan tỏa và phát huy hơn nữa hoạt động của các Lãnh sự danh dự trong thời gian tới.