📞

Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài: Những ‘cánh tay nối dài’ của công tác ngoại giao văn hoá

Phương Yến 13:28 | 16/10/2021
Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hoá-UNESCO, Bộ Ngoại giao Mai Phan Dũng đã đề cao vai trò trợ thủ đắc lực của các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài đối với công tác ngoại giao văn hoá trong thời gian tới.
Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hoá-UNESCO, Bộ Ngoại giao Mai Phan Dũng phát biểu tại Hội nghị Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức ngày 14/10. (Ảnh: Tuấn Anh)

Ngoại giao văn hóa là một trong ba thành tố của nền ngoại giao hiện đại, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế.

Ngày 14/2/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020 với mục tiêu làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; tăng cường xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới; đưa quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Vụ trưởng Mai Phan Dũng phát biểu tại Hội nghị Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức ngày 14/10 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, qua thực tiễn triển khai trong hơn 10 năm qua, công tác ngoại giao văn hoá đã có những đóng góp thực chất, hiệu quả vào những thành công chung của đất nước, phát huy sức mạnh mềm, góp phần triển khai thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao cho ngành đối ngoại tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Nhắc lại lời tổng kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng rằng “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Vụ trưởng Mai Phan Dũng bày tỏ hy vọng, các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài sẽ đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa của Việt Nam, tăng cường lòng tin với các quốc gia trên thế giới, từ đó đưa quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác đi vào chiều sâu và ổn định.

Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020 đã xác định năm hoạt động chính của ngoại giao văn hoá là: (i) mở đường, khai thông quan hệ với các nước và khu vực chưa có nhiều quan hệ với Việt Nam; (ii) xúc tiến, tăng cường và làm sâu sắc hiểu biết với các quốc gia; (iii) quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế; (iv) vận động để Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận; và (v) tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Những “chất liệu văn hoá” có thể khai thác

Với bề dày truyền thống văn hoá và lịch sử lâu đời, Việt Nam có rất nhiều “chất liệu văn hoá” đặc sắc mà các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài có thể sử dụng nhằm góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Theo Vụ trưởng Mai Phan Dũng, có 5 khía cạnh mà các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài có thể chú trọng triển khai giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam, bao gồm:

Thứ nhất là những giá trị tinh thần của Việt Nam như lịch sử hào hùng 4000 năm dựng nước và giữ nước với nhiều thăng trầm.

Lịch sử ấy đã hun đúc cho dân tộc Việt Nam một tinh thần anh dũng, bất khuất, kiên cường, yêu chuộng hòa bình; tạo nên những phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, thân thiện, dễ gần và hiếu khách.

Thứ hai là nền văn hóa Việt Nam đặc sắc, đa dạng, phong phú với 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng nhưng cũng lại có sự hòa quyện, gắn kết.

Nền văn hóa Việt Nam cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận tinh hoa từ các nền văn hóa khác. Đến nay, Việt Nam đã có 13 di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh như Nhã nhạc cung đình Huế, Quan họ Bắc Ninh, Ca Trù, Đờn ca tài tử...

Thứ ba là đất nước Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới như Vịnh Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng, Tràng An...

Việt Nam đã có 8 di sản thế giới được UNESCO ghi danh gồm Hạ Long, Hoàng Thành Thăng Long, Tràng An, Hội An, Cố đô Huế...

Thứ tư là một Việt Nam đang trỗi dậy năng động, hiện đại và giàu tiềm năng phát triển, là một địa chỉ hấp dẫn cho hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch...

Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu đầu những năm đầu đổi mới, năm 2020, GDP Việt Nam đạt 343 tỷ USD, đứng thứ 4 trong ASEAN, lọt top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, là một trong 15 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 15 năm qua...

Thứ năm là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển..., Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ tham dự sự kiện Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại Italy. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Italy)

Cần sự phối hợp nhịp nhàng

Bất chấp những khó khăn do tác động từ đại dịch Covid-19 trong thời gian qua, việc triển khai công tác ngoại giao văn hoá của Việt Nam được cho là không hề bị “đóng băng”. Thay vào đó, mảng công tác này vẫn được thực hiện bằng các hình thức sáng tạo, linh hoạt như tổ chức sự kiện trực tuyến kết hợp trực tiếp, sử dụng ưu thế của mạng xã hội, phát video clip lan truyền…

Trong thời gian tới, sự xuất hiện của nhiều biến chủng SARS-CoV-2 mới có thể khiến cho dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục kéo dài.

Dù vậy, công tác ngoại giao văn hoá sẽ có những “gam màu sáng” nếu nhận được sự hợp tác, phối hợp tham gia triển khai của Bộ Ngoại giao với các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài – những cây cầu nối văn hoá có mặt tại khắp năm châu.

Để công tác ngoại giao văn hoá được triển khai suôn sẻ, hiệu quả, đại diện Vụ Ngoại giao Văn hoá-UNESCO Mai Phan Dũng đã đưa ra những đề xuất cho các Lãnh sự danh dự, bao gồm:

Thứ nhất là, các Lãnh sự danh dự có thể phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành, địa phương và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, triển khai các hoạt động ngoại giao văn hoá hàng năm ở sở tại như: Chương trình Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài, các hoạt động tôn vinh các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”, tham gia tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa giữa Việt Nam với sở tại.

Bên cạnh đó, các Lãnh sự danh dự có thể cung cấp thông tin, tư liệu cho các tác giả, học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài viết sách, thực hiện các chương trình nghiên cứu về Việt Nam.

Ngoài ra là hoạt động trình chiếu video giới thiệu về Việt Nam; quảng bá văn hóa ẩm thực, thời trang, văn nghệ, tham gia tuần lễ phim, phát hành tem, triển lãm ảnh, tổ chức/phối hợp tổ chức các chương trình, lễ hội văn hóa Việt Nam ở sở tại...

Thứ hai là, các Lãnh sự danh dự chủ động cung cấp thông tin, tư liệu, ấn phẩm về Việt Nam cho giới chức, nhà nghiên cứu, giới truyền thông sở tại và những người quan tâm đến Việt Nam.

Thứ ba là, chủ động tổ chức, tham gia các hội chợ, lễ hội văn hóa ở sở tại để giới thiệu về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Cuối cùng là, hỗ trợ các hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cho những người nước ngoài có nhu cầu học tiếng Việt.

Với vai trò là một trong những cơ quan chính triển khai Chiến lược Ngoại giao Văn hoá, ông Mai Phan Dũng cho biết, Vụ Ngoại giao Văn hoá-UNESCO và các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao sẵn sàng cung cấp thông tin, tư liệu, ấn phẩm quảng bá về Việt Nam; hỗ trợ, phối hợp cùng các Lãnh sự danh dự tổ chức thành công, hiệu quả các hoạt động ngoại giao văn hoá ở sở tại.