TIN LIÊN QUAN | |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viếng lãnh tụ Cuba Fidel Castro | |
Việt Nam để Quốc tang lãnh tụ Cuba Fidel Castro vào ngày 4/12 |
Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời là sự kiện nổi bật những ngày qua. Dù tang lễ sẽ được tổ chức chính thức vào ngày 4/12, tại nghĩa trang ở Santiago de Cuba, nhưng nhiều nơi đã để Quốc tang và có vô vàn lời chia buồn, thương tiếc từ khắp nơi trên thế giới gửi tới quốc đảo này.
Theo Sputnik International, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ lời chia buồn tới người dân và chính phủ Cuba, "tên tuổi của vị chính khách này là một biểu tượng của cả một thời đại trong lịch sử hiện đại của thế giới. Ông và những người thuộc thế hệ mình đã xây dựng nên một Cuba tự do và độc lập, trở thành một thành viên có ảnh hưởng của cộng đồng quốc tế và đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều quốc gia và dân tộc".
Cựu Chủ tịch Fidel Castro. (Nguồn: Sputnik) |
Ông Putin cho biết. "Người đàn ông mạnh mẽ và khôn ngoan luôn luôn nhìn về tương lai với sự tự tin. Ông là hiện thân cho những lý tưởng cao cả của một chính trị gia, của một công dân yêu nước, chân thành tin tưởng vào sự công bằng của những gì đã làm và cống hiến toàn bộ cuộc sống của mình cho những lý tưởng ấy”.
Tổng thống Nga Putin gặp gỡ Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro, 2014. (Ảnh: AP) |
Tượng đài nổi bật nhất Mỹ Latin thế kỷ 20
Fidel Castro đã qua đời trong một giai đoạn đầy thách thức, Ernesto Samper, Tổng thư ký của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), cựu Tổng thống của Colombia, chia sẻ với báo giới sau khi nhận được tin Fidel Castro qua đời ở tuổi 90.
"Fidel Castro là một chính khách nổi tiếng nhất ở Mỹ Latin trong thế kỷ 20. Ông đã qua đời trong thời điểm khó khăn nhất, khi khu vực này đang phải đối mặt với những bất ổn lớn liên quan đến cuộc bầu cử ở Mỹ và Donald Trump", ông Samper nói.
Theo ông Samper, thế giới sẽ mãi mãi nhớ Fidel Castro là "một người ủng hộ bình đẳng xã hội, minh bạch và gắn kết ý thức hệ".
Ông thêm rằng, hiện đang có những "đám mây đen" trong quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực do khả năng tác động từ các quyết định mới của Chính phủ Mỹ liên quan đến vấn đề và phục hồi quan hệ ngoại giao với Cuba.
Người anh hùng đi vào lịch sử chống đế quốc Mỹ
Volker Skierka, nhà báo Đức kỳ cựu và là tác giả của cuốn sách "Tiểu sử Fidel Castro" chia sẻ về con người và thời đại của vị lãnh tụ vĩ đại này.
Về ảnh hưởng quốc tế, cuộc đời và sự nghiệp của Fidel cùng các mốc quan trọng mà cuộc cách mạng ông lãnh đạo đi qua đã để lại dấu ấn tại Cuba và trên thế giới. "Ông là một trong những nhân vật chính trị quan trọng nhất của thế kỷ 20. Và, tôi nghĩ rằng, ông ấy đang đi vào lịch sử như một người anh hùng duy nhất chống lại ảnh hưởng của đế chế vĩ đại ở phía Bắc," nhà báo Skierka nói.
Tại quê nhà, ông được nhớ đến bởi những đấu tranh vì nền độc lập cho nhân dân Cuba cũng như cho những "cải cách xã hội mang tính cách mạng" trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục. "Đây là điểm mà tôi nghĩ rằng nhân dân Cuba sẽ cố gắng gìn giữ cho tương lai, bởi nó đã trở thành hình mẫu cho các nước thuộc thế giới thứ hai và thứ ba", nhà báo này ghi nhận.
Fidel Castro, 14/3/1957 (Nguồn: AP). |
Về mặt con người, nhà báo Skierka cho rằng, cá tính và sức quyến rũ của vị lãnh tụ cách mạng "rất quan trọng", góp phần tạo nên thành công cho ông. "Ông ấy rất lôi cuốn. Tôi đã gặp ông sau khi tôi viết xong cuốn tiểu sử này. Chúng tôi đã dành thời gian để thảo luận không chính thức. Tôi phải nói rằng ông ấy là con người thực sự rất thú vị, hấp dẫn. Tôi cảm thấy vui vì đã viết xong tiểu sử trước khi gặp ông bởi nếu không sức hấp dẫn của ông sẽ gây ảnh hưởng đến tôi và làm tôi khó hoàn thành cuốn sách".
Ông Castro là người "thực sự thẳng thắn, và có tài thu hút sự chú ý của bạn", nhà báo nhớ lại. "Ông là một tài năng chính trị đặc biệt. Ông ấy rất thông minh, và là một diễn giả tuyệt vời. Mọi người lắng nghe ông ấy hàng giờ, không phải vì họ phải mà bởi vì họ muốn nghe".
Khi được hỏi liệu việc qua đời của Fidel Castro có ảnh hưởng quan trọng nào làm thay đổi tình hình chính trị hay kinh tế trên quốc đảo hay không, Skierka lưu ý rằng nếu có thay đổi thì cũng sẽ rất từ từ. Đồng thời, cũng theo nhà báo này trong khi Cuba đang coi trọng việc tiếp tục phát triển quan hệ với Mỹ, các nước phương Tây không nên mong đợi quá nhiều". Bởi vì, một mặt, vẫn còn lệnh cấm vận, và mặt khác, chúng ta sẽ phải xem những gì sẽ xảy ra với tổng thống mới của Mỹ, cách ông sẽ đối phó với tình hình Cuba.
Nhìn vào quan hệ thương mại còn hạn chế giữa Cuba-Mỹ được thành lập vào những năm 1990, chủ yếu là với các thống đốc và các quan chức đảng Cộng hòa, Skierka lưu ý ông Trump rất có thể phải đối mặt với "áp lực cao về việc phải tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế với Cuba. Và, tôi nghĩ rằng họ sẽ cũng làm như vậy bởi vì họ không muốn đứng nhìn thấy Trung Quốc, Nga, Brazil, Canada, châu Âu vượt qua họ trong các hợp tác kinh tế với Cuba".
Di sản cách mạng của Fidel
Việc Fidel Castro qua đời sẽ không chấm dứt Cách mạng Cuba, Nhà Nga học Evgeny Astakhov thuộc Hội đồng ngoại giao Nga (RIAC) của MGIMO (MGIMO) cho biết. Ông nhấn mạnh rằng bằng thuật ngữ “cách mạng”, ý nghĩa phát triển hơn nữa của nhà nước độc lập và có chủ quyền Cuba được khẳng định.
Theo đó, sau khi Fidel Castro mất đi, Havana sẽ tiếp tục theo đuổi quá trình chính sách được các nhà lãnh đạo Cuba đưa ra. "Nếu “cách mạng” ngụ ý một cuộc đấu tranh vũ trang thì nó đã kết thúc từ lâu. Nhưng nếu nó ngụ ý mong muốn làm cho cuộc sống của nhân dân được tốt đẹp hơn, thì việc này vẫn luôn được Cuba tập trung thực hiện cao độ trong mọi chương trình nghị sự. Ngoại trừ quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba, các mục tiêu khác của cuộc cách mạng còn vẹn nguyên tính thời sự", Astakhov nhận xét.
Người dân mang hoa tới trước nhà Đại sứ Cuba tại Nga tỏ lòng thương tiếc Fidel Castro. (Nguồn: Sputnik) |
Chuyên gia này lưu ý đến một thực tế rằng điều kiện sống của người dân Cuba vẫn còn khá thấp. Tuy nhiên, người dân Cuba luôn gìn giữ lòng tự trọng và phẩm giá của họ. "Ở đây không có người ăn xin, người dân nước này có lòng tự trọng cao và họ vẫn cố gắng giữ gìn nhân phẩm trong điều kiện sống nghèo nàn" - Astakhov nhấn mạnh. Tuy nhiên họ có thể tự hào về điều kiện chăm sóc sức khỏe, điều trị ung thư và công nghệ sinh học của quốc gia mình. "Ở nhiều khía cạnh, họ cho chúng ta thấy một ví dụ điển hình về việc đấu tranh như thế nào để sống và phát triển", ông lưu ý.
Bình luận về chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Barack Obama đến Havana tháng 3/2016, nhà báo Tiến sỹ Haiti Dady Chery nhấn mạnh, mặc dù lệnh cấm vận thương mại của Mỹ vẫn còn ở đất nước Caribbean này, Cuba "không còn là một đất nước không tự sản xuất được giấy vệ sinh, hay các loại thuốc men. Họ cũng đã tự vật lộn để xây dựng nền kinh tế cho riêng mình".
"Hiện nay, Cuba nắm giữ hơn 30 bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Đây là lĩnh vực xuất khẩu chính của nước này. Cuba đã sản xuất hơn 800 sản phẩm cho nhu cầu sức khỏe của người dân Cuba, và bao cấp hết các dịch vụ y tế cơ bản", Chery nhấn mạnh. Nhà báo cho biết thêm rằng vượt qua mọi khó khăn, người Cuba đã phát triển các sản phẩm phần mềm, kể cả trò chơi máy tính, điện thoại di động, và các phần mềm chuyên dụng cho ngành y tế.
"Cuộc cách mạng sẽ vẫn tiếp tục", Astakhov nói, “sẽ có những thay đổi và cải cách trong nước và sẽ có những người mới đi theo con đường cải cách. Nhưng những cải cách này sẽ nhằm cải thiện điều kiện sống của nhân dân, chứ không phải làm cho họ phụ thuộc vào hệ thống USD".
Triều Tiên tuyên bố quốc tang 3 ngày tưởng nhớ Lãnh tụ Cuba Theo Yonhap, truyền thông Triều Tiên đưa tin ngày 28/11, Bình Nhưỡng đã bắt đầu tổ chức quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ Lãnh ... |
'Fidel Castro dành tình cảm rất đặc biệt đối với Việt Nam' Theo ông Nguyễn Duy Cương, Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt Nam – Cuba, đối với Việt Nam, cựu Chủ tịch Cuba ... |