Khoảng 160 triệu trẻ em, tức gần 10% số trẻ em trên thế giới, hiện đang bị buộc phải lao động. (Nguồn: Flickr) |
Ngày 2-3/11 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến Diễn đàn Giải pháp toàn cầu về lao động trẻ em, do FAO phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cùng Tổ chức Hợp tác quốc tế về lao động trẻ em trong nông nghiệp (IPCCLA) và Liên minh Đối tác toàn cầu 8.7 (một sáng kiến toàn cầu chống lao động cưỡng bức).
Hội nghị xác định và mở rộng các giải pháp nhằm loại bỏ thông lệ vi phạm nghiêm trọng nhân quyền này, phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Diễn đàn quy tụ các đại diện từ nhiều ngành khác nhau, bao gồm các bộ, ngành chính phủ, tổ chức của nông dân, công nhân và ngân hàng phát triển, các doanh nghiệp cũng như trẻ em, những người ủng hộ trẻ em và những lao động trẻ em trước đây.
Phát biểu khai mạc hội nghị ngày 2/11, Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc cho hay, khoảng 160 triệu trẻ em, tức gần 10% số trẻ em trên thế giới, hiện đang bị buộc phải làm việc. 70% trong số đó (112 triệu em) đang làm việc trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, với thời hạn năm 2025 đang đến gần, ông Khuất lưu ý, hành động hiệu quả và “sự lãnh đạo đồng bộ và chặt chẽ từ các bên liên quan đến nông sản toàn cầu là rất quan trọng”.
FAO nhấn mạnh, lao động trẻ em là vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, tước đi tuổi thơ, tiềm năng và phẩm giá của các em, cả trai lẫn gái, đồng thời có hại cho sự phát triển thể chất và tinh thần của các mầm non tương lai.
Tin liên quan |
Lời cảnh tỉnh: Lần đầu tiên trong 2 thập kỷ, lao động trẻ em gia tăng |
Tổng giám đốc ILO Guy Ryder cho biết: “Lao động trẻ em không phải là con đường thoát nghèo mà nó thực sự kéo dài đói nghèo. Chúng ta phải giúp mọi người thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo đói này và đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng”.
Mặc dù không phải tất cả công việc mà các em đang làm đều bị coi là lao động trẻ em, nhưng phần lớn các công việc đó là không phù hợp với lứa tuổi và nhiều gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, không có lựa chọn nào khác.
Các yếu tố góp phần vào tình trạng lao động trẻ em trên thế giới gồm thu nhập gia đình thấp, ít lựa chọn thay thế sinh kế, sự hạn chế tiếp cận giáo dục, thiếu các công nghệ tiết kiệm lao động và quan niệm truyền thống về việc trẻ em tham gia các công việc trong canh tác nông nghiệp.
Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm những vấn đề này.
Trong hội nghị này, các bên liên quan sẽ chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những cam kết bổ sung hướng tới việc chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025 và chấm dứt lao động cưỡng bức, buôn bán người và nô lệ hiện đại vào năm 2030.
ILO và Liên minh Đối tác toàn cầu 8.7 đã phát động năm 2021 là Năm Quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em, nhằm thúc đẩy công tác lập pháp và những hành động thực tiễn nhằm xóa bỏ lao động trẻ em trên toàn thế giới. Năm nay sẽ tạo tiền đề cho việc tổ chức Hội nghị Toàn cầu về lao động trẻ em, dự kiến diễn ra tại Nam Phi vào năm 2022. |
| Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với châu Âu Theo nhận định của báo Le Figaro (Pháp), Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với châu Âu sau khi quan hệ hai bên xấu ... |
| Lắng nghe tiếng nói của người dân trong các cơ chế báo cáo về nhân quyền Tiếng nói của các tổ chức phi chính phủ và tổ chức nhân dân có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong các cơ chế ... |