Anh Lê Xuân Dũng. |
Lê Xuân Dũng sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Năm 1984, vì nhà nghèo và là con liệt sĩ, anh được Nhà nước ưu tiên cử sang Nga xuất khẩu lao động. Khi Liên Xô tan rã, trở về nước với số vốn 10 ngàn USD trong tay, sau vài dự án kinh doanh nho nhỏ, anh lại nghĩ: Có lẽ số mình phải lập nghiệp xa nhà thì mới thuận lợi. Nghĩ thế, anh lại bôn ba sang Tiệp, rồi sang Đức để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Vào cuối những năm 1990, làm ăn tại Đức là điều kiện lý tưởng đối với nhiều người.
Tuy nhiên, công việc làm ăn đều đều 10 năm ở Đức có điều gì đó chưa thỏa mãn chí nguyện của Lê Xuân Dũng. Anh nhấp nhổm theo dõi các cơ hội làm ăn ở các nơi trên thế giới với ý nghĩ: Nếu chỉ làm giàu cho gia đình thôi thì chưa đủ, nhưng để giúp được người khác, anh cần phải làm được nhiều hơn thế.
Không ngại thách thức
Năm 2008, để ý thấy ở quê hương Kỳ Anh có nhiều người đi làm việc tại Angola. Anh rất tò mò về các cơ hội làm ăn tại quốc gia châu Phi xa xôi này. Nghĩ là làm, anh quyết định thực hiện một chuyến du lịch ba tháng tới đây để tìm hiểu thị trường. Anh nghĩ: “Những người khác làm giàu được thì tại sao mình lại không làm được?”.
Sang đến nơi, việc đầu tiên là anh bắt tay học tiếng Bồ Đào Nha (ngôn ngữ chính thức của nước này) để thuận lợi hơn trong tìm hiểu các cơ hội kinh doanh. Sau ba tháng, khi bắt đầu nói được chút ít tiếng Bồ Đào Nha thì anh may mắn ký được hợp đồng lao động với một công ty của Angola và được cấp thị thực lao động một năm tại đây. Nhớ lại kỷ niệm này, anh bảo: "Đó là một cơ hội may mắn mà không phải ai cũng có được".
Tìm hiểu thị trường Angola, anh thấy có nhiều công ty xây dựng Hàn Quốc làm ăn rất tốt mà chưa có nhiều người Việt Nam kinh doanh lĩnh vực này tại đây. Anh nghĩ: "Tay nghề thợ nề của người Việt Nam khá cao. Tại sao mình không lập một đội thợ xây dựng để nhận thầu thi công các công trình nhà ở cho người Angola?”.
Nghĩ là làm. Anh thuyết phục được công ty ký hợp đồng lao động với anh cấp giấy ủy quyền, được sử dụng con dấu công ty để ký hợp đồng và tuyển dụng lao động. Công trình nhà ở đầu tiên hoàn thành sau ba tháng, mấy anh em trong đội thi công thu được 25.000 USD tiền công. Mừng quá, anh gọi thêm những người bạn có chuyên môn xây dựng để phối hợp làm việc và tuyển chọn những người thợ Việt Nam có tay nghề để thành một đội có uy tín. Nhờ chăm chỉ và hoàn thành tốt các hợp đồng, tiếng lành đồn xa, anh và các anh em trong đội có việc làm đều đều với mức thu nhập 2.000-2.500USD/tháng và được gia hạn thị thực lao động từng năm.
Nỗ lực hỗ trợ cộng đồng
Năm 2012, khi được cấp thẻ cư trú, Lê Xuân Dũng cùng một người bản địa góp cổ phần thành lập công ty xây dựng lấy tên là Rai Mundo Le. Anh bảo: "Yêu cầu xây dựng nhà ở của người Angola khá cao. Họ thích các hoa văn tỉ mỉ, cầu kì mà thợ Việt Nam đáp ứng được yêu cầu này thì không bao giờ sợ thất nghiệp". Những khởi đầu tốt đẹp ấy đã trở thành tiền đề tốt đẹp, mở ra cho anh nhiều cơ hội làm giàu cho bản thân và hỗ trợ rất nhiều cho cộng đồng người Việt làm ăn tại quốc gia miền Nam châu Phi này.
Kể từ đó, các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Angola thường thấy Giám đốc Rai Mundo Le lên Sứ quán hoàn thiện giấy tờ cho các lao động trong Công ty của mình và bảo lãnh cả cho các lao động Việt Nam vào Angola làm việc trái phép bị chính quyền sở tại bắt giữ. Đó là hậu quả của làn sóng lao động Việt Nam sang Angola bằng thị thực du lịch rồi tự ý ở lại làm việc. Với những trường hợp có tay nghề chuyên môn, Lê Xuân Dũng đứng ra ký hợp đồng cho anh em có cơ hội làm việc. Còn với một số trường hợp không có bất cứ tay nghề gì, anh lại vận động hỗ trợ tài chính để họ về nước an toàn. Chính nhờ các hoạt động hỗ trợ cộng đồng thiết thực này mà bà con đã tín nhiệm bầu anh làm Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại đây.
Anh bảo: "Trong vài năm trở lại đây, nhiều người Việt bị các công ty môi giới lao động lừa sang đây khi chưa hề được đào tạo bất cứ ngành nghề nào, cũng không biết tiếng địa phương. Nếu sang đây mà không có công ty nào tiếp nhận và cũng không có ai bảo lãnh thì sẽ gây ra nhiều vấn đề phức tạp và buộc phải về nước. Vì thế, trước khi đến một nước xa xôi để làm ăn, người lao động cần phải tìm hiểu thật kỹ về nơi sẽ nhận mình làm việc, mức lương và các chế độ cụ thể khác".
Hiện nay, ngoài chức năng nhận thầu thi công các công trình xây dựng, Công ty Rai Mundo Le đã mở thêm một xưởng đóng gạch, hai xưởng mộc và một xưởng sửa chữa xe ôtô để tăng tối đa lợi nhuận khi hạn chế nhập vật liệu xây dựng từ các công ty khác. Công nhân làm việc trong các xưởng của Rai Mundo Le gồm cả người Việt Nam và người dân bản địa.
Chưa hài lòng với những gì đã đạt được, người con xứ Nghệ ấy vẫn đang tìm hiểu để triển khai xây dựng một nhà máy tái chế rác thải ở Luanda. Còn tại quê nhà Kỳ Anh, anh cũng đang ấp ủ dự định xây dựng một phòng khám có chất lượng quốc tế, nhằm phục vụ khám chữa bệnh cho bà con nơi đây.
Gia Khánh