📞

Lễ tân ngoại giao phá cách ở Cuba

10:05 | 23/03/2014
Theo thông lệ quốc tế, lễ tân ngoại giao ngày càng giản tiện, giữ lại những chi tiết chính để tiết kiệm thời gian, tránh rườm rà. Trong xu thế đó, lễ tân ngoại giao Việt Nam – Cuba cũng không là ngoại lệ, vẫn đúng theo thông lệ quốc tế, nhưng vẫn gần gũi, thân tình với những tình huống phá cách thú vị.
Chủ tịch Fidel là nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới thăm Quảng Trị, tháng 9/1973.

Từng có nhiều năm gắn bó với đất nước Cuba và thực hiện nhiệm vụ ngoại giao tại đây, Đại sứ Phạm Tiến Tư, hiện là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba được chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị trong nghi lễ ngoại giao của nước bạn.

Phá cách khi nào?

Đại sứ Phạm Tiến Tư cho biết: “Các thủ tục lễ tân truyền thống có rất nhiều bước và nếu thực hiện đầy đủ thì mất rất nhiều thời gian. Vì thế, ngày nay phần lớn các nước đã có những cách giản tiện hóa các nghi lễ này nhưng vẫn đảm bảo tính chất lễ tân theo đúng thông lệ quốc tế mà vẫn phù hợp với văn hóa phong tục tập quán của từng nước. Có thể nói, lễ tân ngoại giao thế giới đang vận động theo hướng giao hòa hai yếu tố truyền thống và hiện đại.

Trong nghi thức lễ tân ngoại giao mà Cuba dành cho Việt Nam có những điều vượt lên trên nghi thức ngoại giao thông thường, đó là sự phá cách.

Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt như quan hệ Việt Nam – Cuba, thì ngoài sự trang trọng phù hợp với quy định về lễ tân quốc tế còn có thêm tính chất thắm thiết, thân tình, bắt nguồn từ quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Sau nghi thức đón chính thức tại Cung Cách mạng, duyệt đội danh dự, đặt vòng hoa tại tượng đài José Marti thì bao giờ Lãnh đạo Cuba cũng đến thăm nơi nghỉ của đoàn Việt Nam rất thân tình và trao đổi những vấn đề cần thiết”.

Việt Nam và Cuba có mối quan hệ hết sức đặc biệt nhờ những điểm tương đồng có tính chất lịch sử. Hai dân tộc có cùng quá trình lịch sử kiên cường chống giặc ngoại xâm để giành độc lập dân tộc, cùng lý tưởng khi lãnh đạo hai nhà nước cách mạng cùng xây dựng XHCN ở hai nước và, cả hai dân tộc đều có những vị lãnh tụ có tầm cỡ quốc tế đứng đầu, như José Marti, Fidel Castro của Cuba hay như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp của Việt Nam. Vì thế mà trong nghi thức lễ tân ngoại giao mà Cuba dành cho Việt Nam có những điều vượt lên trên nghi thức ngoại giao thông thường, đó là sự phá cách.

Phong cách Fidel

Ông Phạm Tiến Tư nhớ lại thời điểm năm 1966, khi Việt Nam đang trong giai đoạn chống Mỹ ác liệt, có hai đoàn Việt Nam sang thăm Cuba. Đoàn thứ nhất do ông Hoàng Quốc Việt - Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, phụ trách vấn đề vận động quốc tế ủng hộ cho cuộc kháng chiến cứu nước của Việt Nam dẫn đầu. Chủ tịch Fidel đã đón tiếp đoàn vô cùng trang trọng và thân tình theo đúng thông lệ.

Tuy nhiên, tới đoàn thứ hai do Anh hùng Đinh Núp dẫn đầu sang thăm Cuba, ông Fidel đã không chỉ tiếp Anh hùng Núp mà còn trực tiếp lái xe đưa người anh hùng của Việt Nam đi thăm các cơ sở, lực lượng vũ trang.

Giải thích về sự phá cách này, ông Phạm Tiến Tư cho biết: “Ở Cuba, người dân rất đề cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong nhà mỗi người dân, ảnh lãnh tụ quốc tế như Karl Marx, Friedrich Engels, Lenin thường treo cùng với ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh hay những anh hùng khác của Việt Nam như Nguyễn Văn Trỗi, Đinh Núp… Điều đó nói lên rằng, người dân Cuba không chỉ đề cao những vị nguyên thủ quốc gia tầm cỡ quốc tế mà còn rất trân quý những người anh hùng cách mạng”.

Người Việt Nam nào từng được gặp gỡ Chủ tịch Fidel Castro đều thấy toát lên ở ông là phong cách rất thân tình. Năm 1973, ông sang thăm Việt Nam, sau lễ đón chính thức, ông tới thẳng nhà riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng để bàn công việc.

Cũng trong chuyến thăm đó, Chủ tịch Fidel đã đích thân vào thăm Quảng Trị vì theo ông, trung tâm của cuộc đấu tranh chống đế quốc đang ở Việt Nam, mà ở Việt Nam, trung tâm – tuyến đầu chống đế quốc là ở Quảng Trị. Ông đã trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới đi thăm vùng giải phóng trong thời điểm khốc liệt và nhạy cảm đó.

Điều chưa từng có trong lịch sử

Năm 1979, nhân Hội nghị lần thứ 6 của Phong trào Không liên kết họp tại Cuba, Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang Cuba. Hai nhà lãnh đạo đã có nhiều cuộc trò chuyện tại nơi ở của Thủ tướng hay nơi làm việc riêng của Chủ tịch, liên quan đến việc giúp đỡ Campuchia (sau khi chế độ diệt chủng Pol Pot bị lật đổ) trở thành thành viên của Phong trào Không liên kết.

Sau đó, Đoàn đi thăm bốn nước Mỹ Latinh là Mexico, Nicaragua, Panama và Jamaica. Khi tiễn Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra tận sân bay, Chủ tịch Fidel nói: “Tôi xin cử một nửa số bảo vệ kề cận đã phục vụ tôi mấy chục năm nay đi cùng đoàn để đảm bảo an toàn cho đồng chí”. Hành động đó được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử lễ tân ngoại giao thế giới.

Trong nhiệm kỳ công tác tại Cuba trên cương vị Đại sứ Việt Nam (2002-2007), Đại sứ Phạm Tiến Tư đã đón bảy chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo Việt Nam tới Cuba. Các chuyến thăm đều được phía Cuba đón tiếp trọng thị và thân tình.

Trong đó, đáng nhớ nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải vào năm 2002. Khi tiễn đoàn Việt Nam ra sân bay, Chủ tịch Fidel đi cùng Thủ tướng ra tới cầu thang máy bay. Khi đó, Cơ trưởng của chuyến bay chính là Anh hùng LLVT Nguyễn Thành Trung, còn toàn bộ kíp lái máy bay chính – phụ, cùng hai đoàn tiếp viên (do chuyến bay kéo dài) có tổng cộng hơn 30 người - tất cả đều rất muốn được chụp ảnh với Chủ tịch Fidel.

Đại sứ Phạm Tiến Tư đã báo cáo với Thủ tướng và Chủ tịch Fidel về nguyện vọng của anh chị em. Nghe vậy, Fidel lập tức đồng ý và nói: “Ô, thế tốt quá. Đồng chí nói anh chị em xuống cả đây chụp ảnh với tôi”.

Khánh Nguyễn (ghi)