📞
Phép màu nào cho điện ảnh Việt?

LHP quốc tế Việt Nam 2010:

12:55 | 22/10/2010
Lần đầu tiên Việt Nam có một Liên hoan phim quốc tế, nhiều chương trình ra mắt hoành tráng. Ban tổ chức kỳ vọng sự kiện này có thể mang lại sự tươi mới cho đời sống điện ảnh Việt, nghệ sĩ và công chúng được thưởng thức bữa tiệc điện ảnh kéo dài trong 5 ngày liền. Thế nhưng, đâu mới là triển vọng thực sự cho nền điện ảnh của Việt Nam?

Nhìn vào tiềm lực châu Á

Sự trỗi dậy của nền điện ảnh châu Á những năm gần đây là thành quả lớn của một số quốc gia “chịu chơi” trong việc đầu tư cho nền công nghiệp điện ảnh. Bên cạnh làn sóng Hàn Quốc, sức sống Trung Hoa và sự vững vàng của nền giải trí Nhật Bản, sự sáng tạo rất mới của nền điện ảnh Ấn Độ, Thái Lan, Philippines… cũng góp phần làm nên sức bật cho điện ảnh khu vực.

Nguồn tài chính đầu tư cho điện ảnh châu Á dường như luôn ổn định, nên dù có khủng hoảng tài chính, số lượng phim vẫn đều đặn ra mắt. Cuộc đổ bộ mang tên “châu Á” tại Liên hoan phim Berlin và mức độ xuất hiện tại Liên hoan phim Cannes ngày càng rầm rộ. Việc phim Trung Quốc từng đoạt nhiều giải Gấu vàng, phim Philippines tranh cử Cannes hay phim Thái Lan giành giải Cành cọ vàng 2010 cũng không còn khiến người ta phải ngỡ ngàng…

Liên hoan phim quốc tế Việt Nam 2010 (VNIFF 2010) cũng nhằm mục đích đóng góp thêm tiếng nói để tôn vinh điện ảnh châu Á. Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, sức hấp dẫn của điện ảnh châu Á nằm ở bản sắc riêng của nó xuất phát từ nền văn hóa độc đáo của mỗi nước. Đó là bản sắc phương Đông mà những nhà điện ảnh châu Á đang muốn gìn giữ.

Việt Nam - mảnh đất “màu mỡ”?

Một năm trước, khi có thông tin về việc Việt Nam sẽ tổ chức một VNIFF, câu hỏi khiến nhiều người đặt ra là liệu chúng ta có thể tổ chức thành công được sự kiện đòi hỏi sự chuyên nghiệp rất cao? Đến nay, dù số lượng phim dự thi không nhiều, công tác tổ chức còn bỡ ngỡ, sự kiện này vẫn gây được nhiều chú ý khi có được những gương mặt nổi tiếng trong làng điện ảnh thế giới như đạo diễn Philip Noyce, đạo diễn Marco Muller, Giám đốc LHP Venice cùng sự xuất hiện của một số ngôi sao Hong Kong như Trương Gia Huy và Ngô Ngạn Tổ.

Được coi là một diễn đàn để các nhà làm phim có thể giao lưu, học hỏi, hợp tác với bạn bè quốc tế, sau VNIFF, chắc hẳn công chúng sẽ hy vọng vào sự mầu nhiệm nào đó đến với điện ảnh Việt trong tương lai. Thực tế, nước ta luôn khuyến khích và chào đón tất cả các nhà làm phim nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một phim trường còn hoang sơ, mộc mạc và cần được đầu tư, khai phá.

Như vậy, sức hấp dẫn này ở đâu? Nói như Yoo Byung Woon, nhà quay phim Đài truyền hình KBS (Hàn Quốc), “Dù điều kiện kỹ thuật ở đây chưa tốt, nhưng bù lại sự thân thiện, sự nỗ lực của người Việt cũng như nguồn cảm hứng dạt dào từ cảnh đẹp, phong tục văn hóa đặc sắc đã chỉ lối dẫn đường để nhiều đoàn làm phim quyết định chọn Việt Nam là điểm đến cho những sáng tạo của mình”.

Cần nhất là chất xám “điện ảnh”

Không thể phủ nhận trong 10 năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có bước phát triển mới về số lượng hãng phim, cụm rạp và số lượng người xem. Việc xã hội hóa sản xuất phim đã đạt khoảng 50%, nhiều phim tham dự giải thưởng quốc tế. Tuy nhiên, phim Việt vẫn phát triển chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Với số phim sản xuất hàng năm chỉ ở mức trên dưới 10 phim chưa thật phù hợp với một thị trường với hơn 86 triệu dân.

Lý giải nguyên nhân này, nhiều người cho rằng Việt Nam chưa có một thị trường điện ảnh đa dạng và ổn định. Theo ông Philip Cheah, Giám đốc Liên hoan phim Singapore, để tăng cường sản xuất phim cần có một chính sách hỗ trợ hợp lý để sản xuất phim, các nhà sản xuất cũng cần trao đổi với khán giả và có sự đầu tư nghiêm túc về mặt cơ sở vật chất. Có một bất cập là công chúng thế giới rất khó khăn tiếp cận điện ảnh Việt Nam và để cải thiện được điều này thì không có con đường nào khác ngoài việc quảng bá phim ra nước ngoài.

Trong khuôn khổ VNIFF 2010, các cuộc tọa đàm đã diễn ra với rất nhiều ý kiến tâm huyết cho điện ảnh Việt. Bên cạnh đề xuất khác về đầu tư, về hạ tầng cơ sở vật chất, Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh khẳng định yếu tố quan trọng nhất chính là con người. Ông cho rằng, muốn điện ảnh phát triển cần những con người chuyên nghiệp, có chất xám “điện ảnh” thực sự. Ông cũng đặt ra câu hỏi Việt Nam mình luôn tự hào xuất khẩu được rất nhiều hàng hóa, nhưng khi nào có thể xuất khẩu được sản phẩm điện ảnh?

Hải Thanh