Trong một báo cáo công bố ngày 12/9, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết trong năm 2016, khoảng 3,5 triệu trẻ tị nạn trong tổng số 6,4 triệu trẻ tị nạn ở độ tuổi 5-17 trên toàn thế giới, đã không được đến trường.
Theo người đứng đầu UNHCR, Filippo Grandi, so với trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới, khoảng cách về cơ hội tiếp cận giáo dục đối với 6,4 triệu trẻ tị nạn ở tuổi đi học ngày càng nới rộng hơn bao giờ hết. Cụ thể, 91% số trẻ em trên thế giới đi học cấp tiểu học, thì tỉ lệ này ở trẻ tị nạn là 61%; khoảng 84% trẻ em trên thế giới học cấp trung học cơ sở thì con số này ở trẻ tị nạn chỉ có 23%. Báo cáo cho thấy cứ 3 trẻ tị nạn có 1 em sinh sống tại các nước thu nhập thấp, nơi chúng ít có cơ hội đến trường cao gấp 6 lần so với trẻ ở những nơi khác trên thế giới.
Hakizimana Lydiella, 13 tuổi, trẻ tị nạn ở trại Mahama, miền Đông Rwanda. (Nguồn: UNHCR) |
Ông Filippo Grandi nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục cho trẻ tị nạn đối với sự phát triển bền vững và hòa bình tại những nước tiếp nhận họ cũng như đối với sự thịnh vượng hơn nữa tại đất nước của người tị nạn. UNHCR kêu gọi chính phủ các nước tăng cường đầu tư vào giáo dục người tị nạn, cũng như cam kết tài trợ liên tục cho giáo dục từ nay trở đi.
Trong một báo cáo khác, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết hơn 3/4 trẻ em và thanh thiếu niên là nạn nhân bị lạm dụng, bị buôn lậu bất hợp pháp, bị đánh đập và phân biệt đối xử trong các chuyến di cư mạo hiểm vượt Địa Trung Hải vào châu Âu. Theo UNICEF và Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), thanh thiếu niên tị nạn đến từ phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi là đối tượng rất dễ bị đối mặt với những nguy cơ này. UNICEF đưa ra lời cảnh báo trên sau khi tiến hành khảo sát 11.000 trẻ em và thanh thiếu niên nằm trong 22.000 người di cư và tị nạn vào châu Âu.
Báo cáo cho biết, 77% số trẻ em và thanh thiếu niên cố vượt Địa Trung Hải vào châu Âu đã trực tiếp bị lạm dụng, bóc lột và trải qua các trình tự của hoạt động buôn người. Trong khi đó tuyến đường di cư chính từ Libya vào châu Âu đặc biệt nguy hiểm do tình trạng vô pháp luật cũng như hoạt động của các phiến quân hoặc tội phạm.
Cũng theo UNICEF, gần 20% số trẻ em ở các nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi, trong tổng số hơn 90% số người dân sinh sống tại các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột, cần được viện trợ nhân đạo khẩn cấp.
Trong một tuyên bố, Giám đốc UNICEF phụ trách khu vực Trung Đông - Bắc Phi, Geert Cappelaere cho biết các cuộc xung đột tiếp tục cướp đi tuổi thơ của hàng triệu trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong các cuộc xung đột. Trẻ có nguy cơ tử vong hoặc mắc bệnh do hạ tầng cơ sở phục vụ dân sinh như bệnh viện, hệ thống cấp điện, nước, vệ sinh... bị phá hủy trong các cuộc xung đột. Theo ông Cappelaere, số trẻ em chịu hậu quả của các cuộc xung đột đã tăng hơn gấp đôi.
Ước tính, gần 12 triệu trẻ Syria trong lãnh thổ nước này và ở những nước tiếp nhận người tị nạn Syria cần được hỗ trợ nhân đạo, tăng so với 500.000 trẻ hồi năm 2012. Trong khi đó, khoảng 2 triệu trẻ Syria sinh sống tại những khu vực xa xôi hoặc nằm trong vòng phong tỏa nhận được rất ít viện trợ nhân đạo trong những năm qua. Tại Iraq, hơn 5 triệu trẻ cần được viện trợ khi các cuộc giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có thành phố Mosul và Tal Afar. Tại Yemen, các cuộc giao tranh đã phá hủy hệ thống cung cấp nước sạch và vệ sinh, gây ra dịch bệnh tả và tiêu chảy cấp tồi tệ nhất trên thế giới, với 610.000 ca nghi nhiễm đến nay.
Theo ông Cappelaere, trẻ em tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã chứng kiến và trải qua tình trạng bạo lực và nỗi kinh hoàng chưa từng có. Ông cảnh báo nếu tình trạng bạo lực và chiến tranh vẫn tiếp diễn, thì hậu quả của nó gây ra không những đối với khu vực mà đối với cả thế giới nói chung, là vô cùng thảm khốc. Quan chức UNICEF đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nỗ lực hơn nữa để chấm dứt tình trạng bạo lực vì lợi ích của trẻ và tương lai của các em.