📞

LHQ kêu gọi phản ứng toàn cầu để giải giáp hạt nhân

11:34 | 27/09/2017
Thế giới chỉ có thể an toàn nếu như không có vũ khí hạt nhân. Đây là thông điệp của Tổng thư ký António Guterres nhân dịp Liên hợp quốc (LHQ) kỷ niệm Ngày quốc tế Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.  

Phát biểu trước lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân do ĐHĐ LHQ tổ chức, Tổng thư ký Guterres nói: "Một thế giới không có vũ khí hạt nhân là một tầm nhìn toàn cầu đòi hỏi một phản ứng toàn cầu".

Theo người đứng đầu LHQ, mặc dù toàn nhân loại theo đuổi mục tiêu xây dựng một thế giới như vậy, nhưng gần đây đã nổi lên vô số thách thức, trong đó có một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên.

Do đó, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm đặc biệt phải đi đầu bằng những biện pháp cụ thể, trong đó có cả những bước đi đã được nhất trí ở nhiều hội nghị khác nhau nhằm đánh giá lại Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí Hạt nhân (NPT).

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: UN)

Theo ông Guterres, những chiến dịch đầy tốn kém để hiện đại hóa vũ khí hạt nhân cộng với việc thiếu kế hoạch giảm kho vũ khí ngoài Hiệp ước Giảm vũ khí hạt nhân chiến lược (START) giữa Nga và Mỹ - khiến cho tiến trình giải giáp hạt nhân trên toàn cầu khó đạt được tiến triển. Tổng thư ký LHQ cũng cảnh báo không nên viện cớ điều kiện an ninh để biện minh cho việc không thực hiện các sáng kiến giải giá hạt nhân.

Cũng tại sự kiện trên, Chủ tịch ĐHĐ LHQ Miroslav Lajčák nhấn mạnh rằng trên thế giới vẫn còn tồn tại hàng nghìn đầu đạn hạt nhân, được lưu trữ ở 3 châu lục khác nhau. Hơn nửa dân số thế giới đang sống ở những nước có khả năng hạt nhân hoặc là thành viên của những liên minh hạt nhân.

Tháng 12/2013, ĐHĐ LHQ đã tuyên bố lấy ngày 26/9 làm Ngày quốc tế Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Kể từ đó đến nay, thế giới đã chứng kiến 3 vụ thử hạt nhân. Tổng cộng từ đầu thế kỷ 21 đến nay đã có 6 vụ thử hạt nhân được tiến hành.

Ông Lajčák cho rằng đây là điều hết sức đáng ngại, "chúng cùng với những tuyên bố hiếu chiến đầy khinh suất có thể đưa loài người tới bờ vực mà không ai có thể tránh được hậu quả thảm khốc".

Ông kết luận: "Chúng ta có thể sống trong một thế giới phi hạt nhân chừng nào chúng ta tin rằng điều đó là có thể. Và khi đó chúng ta luôn sẵn sàng nỗ lực để biến điều đó thành có thể".

(theo UN)