Theo ông Thwadi, lực lượng chức năng phát hiện các thi thể trôi giạt hàng ngày, đặc biệt, tuần trước, chỉ riêng trong một ngày đã tìm thấy tới 53 thi thể.
Thị trưởng Sabratha nhấn mạnh, lực lượng bảo vệ bờ biển nước này đã tiến hành nhiều hoạt động tuần tra trên biển để ngăn chặn nạn di cư trái phép, nhưng không đủ năng lực để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Nhân viên tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ đang tiến hành vận chuyển thi thể người di cư bị trôi dạt vào bờ biển miền Đông thành phố Tripoli (Libya). (Nguồn: Aljazeera) |
Tình hình bất ổn ở Libya và việc thiếu vắng các cơ quan chính quyền chuyên trách giải quyết khủng hoảng đã khiến tình hình dư cư bất hợp pháp tại quốc gia Bắc Phi này thêm trầm trọng.
Ông Thwadi cũng cho biết, hầu hết thi thể được tìm thấy là người di cư từ các nước châu Phi cận Sahara, ngoài ra có 23 người Tunisia. Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ và thành phố Sabratha đã tiến hành chôn cất những nạn nhân xấu số tại một nghĩa trang của thành phố.
Vùng bờ biển Địa Trung Hải giáp Libya và Italy là nơi người tị nạn qua lại thường xuyên. (Nguồn: Aljazeera) |
Libya là một trong những điểm tập kết của những người di cư lánh nạn bạo lực và đói nghèo ở khu vực châu Phi cận Sahara tìm cách đến châu Âu bằng đường biển qua Địa Trung Hải. Bất ổn chính trị và xung đột vũ trang ở Libya đã tạo điều kiện cho hoạt động buôn người gia tăng. Các băng nhóm tổ chức vượt biên trái phép không gặp mấy khó khăn trong việc tiến hành nhiều chuyến đưa người di cư qua sa mạc Sahara tới bờ biển Địa Trung Hải để tiếp tục sang châu Âu.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), trong số hơn 3.000 người di cư thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải trong năm nay, có tới 3/4 tìm cách tới Italy từ các nước Bắc Phi, chủ yếu là từ Libya. Tính từ đầu năm đến nay, gần 90.000 người di cư đã vượt Địa Trung Hải đến Italy. Hiện thời tiết rất thuận lợi cho tàu thuyền đi lại trên biển nên hoạt động đưa người di cư trái phép qua Địa Trung Hải sang châu Âu đang diễn ra rất mạnh.