📞

Libya: Thủ đô Tripoli bị tấn công tên lửa, Thổ Nhĩ Kỳ 'cảnh cáo' LNA

11:05 | 11/05/2020
TGVN. Ngày 10/5, Bộ Y tế Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận cho biết, ít nhất 4 dân thường, trong đó có 1 trẻ em, đã thiệt mạng và 16 người khác bị thương trong vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào thủ đô Tripoli trước đó 1 ngày.
Khói bốc lên từ sân bay Mitiga ở thủ đô Tripoli ngày 9/5. (Nguồn: Anadolu)

Vụ không kích nhằm vào các khu dân cư Abu Slim Bab và Ben Ghachir và pháo kích sân bay khiến sân bay duy nhất còn hoạt động tại thủ đô Tripoli này bị hư hại nghiêm trọng.

GNA đã cáo buộc lực lượng quân đội miền Đông (LNA) của Tướng Khalifar Haftar đứng sau vụ tấn công này. Phái bộ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) cũng lên án vụ tấn công.

Theo GNA, từ ngày 6-10/5, ít nhất 19 người, gồm 17 thường dân và 2 cảnh sát, đã thiệt mạng và hơn 66 người khác bị thương trong các vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các quận ở Tripoli.

Trong khi đó, truyền thông Trung Đông dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc vụ tấn công này là “tội ác chiến tranh”, đồng thời khẳng định, quốc gia này sẽ coi các lực lượng của Tướng Khalifa Haftar ở Libya là “mục tiêu hợp pháp” nếu xảy ra các vụ tấn công nhằm vào lợi ích và phái bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng chỉ trích Liên hợp quốc vì không có động thái ngăn chặn các cuộc tấn công từ lực lượng của Tướng Haftar. Các quốc gia cung cấp hỗ trợ quân sự, chính trị và tài chính cho Tướng Haftar phải chịu trách nhiệm cho những tổn thương mà người dân Libya phải gánh chịu, cũng như sự hỗn loạn và bất ổn mà quốc gia này đang trải qua.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện ủng hộ và đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự với GNA, vốn đang cố gắng đẩy lùi đợt tấn công của lực lượng quân đội miền Đông (LNA) do Tướng Haftar đứng đầu.

Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA. Trong hơn một năm qua, Tripoli đã trải qua tình trạng giao tranh dữ dội giữa các lực lượng thân cận với GNA và LNA, khi LNA tìm cách giành quyền kiểm soát thủ đô cũng như lật đổ GNA. Sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài cũng đã làm trầm trọng hơn cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi.

Giao tranh ác liệt giữa các bên đã khiến hàng nghìn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800.000 người phải trông chờ vào viện trợ nhân đạo. Cộng đồng quốc tế đang lo ngại về nguy cơ thảm hoạ nhân đạo có thể bùng phát ở quốc gia Bắc Phi.

(theo Daily Sabah, TRT World)