📞

Liên hợp quốc hối thúc Nam Phi bảo vệ người nước ngoài

12:53 | 08/09/2018
Ngày 7/9, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã hối thúc nhà chức trách Nam Phi thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn làn sóng bạo lực nhằm vào người nước ngoài tại quốc gia này.

Nguồn từ UNHCR cho biết, tình trạng kỳ thị người nước ngoài tại Nam Phi đang ở mức báo động và diễn ra trên phạm vi cả nước, thậm chí người tị nạn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất cũng đã trở thành mục tiêu của làn sóng bạo lực.

Số liệu của UNHCR cho thấy, trong tuần trước, những kẻ cực đoan đã giết hại 4 người nước ngoài tại thành phố Johannesburg, đồng thời đập phá các cơ sở kinh doanh và nhà cửa của người nước ngoài tại đây. Tổ chức này bày tỏ lo ngại làn sóng bạo lực và bài ngoại này sẽ tiếp tục lan rộng tới các tỉnh khác như Kwazulu Natal và Western Cape.

Theo người phát ngôn của UNHCR Charlie Yaxley, làn sóng bài ngoại kèm theo bạo lực nhằm vào người nước ngoài đã từng bùng phát tại Nam Phi hồi năm 2015, nhưng sau đó đã dịu đi. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng này đang tái diễn với chiều hướng nghiêm trọng hơn, đặc biệt nhắm vào người tị nạn đến từ những quốc gia đang xảy ra xung đột và nội chiến.

Làn sóng bài ngoại đang tái diễn ở Nam Phi. (Nguồn: Euronews)

Ông Charlie nhấn mạnh, UNHCR hoan nghênh việc các tổ chức dân sự tại Nam Phi đã tích cực đứng ra lên án các hành động tội ác và hy vọng rằng, những nỗ lực này sẽ giúp hàn gắn khoảng cách giữa cộng đồng người nước ngoài và người bản xứ.

Cũng theo UNHCR, hiện tại có khoảng 280.000 người tị nạn và người xin tị nạn đang ở Nam Phi. Ngoài ra, Tổ chức Di cư thế giới (IOM) cho biết, có khoảng 2,2 triệu người nước ngoài đang sinh sống, làm việc và học tập hợp pháp tại nước này, chưa kể khoảng 1 triệu người khác trong diện nhập cư trái phép.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, kinh tế suy thoái cùng tỷ lệ thất nghiệp cao, lên đến hơn 27%, là một trong những lý do chính khiến làn sóng bài ngoại bùng phát trở lại tại Nam Phi, khi nhiều người bản xứ cho rằng, những người nhập cư là đối tượng đã lấy đi công ăn việc làm của họ.

(theo UN News)