Toàn cảnh lễ công bố báo cáo của Nhóm công tác Thanh niên về Chính sách khí hậu do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức. (Ảnh: Xuân Tùng) |
Buổi lễ có sự góp mặt của đại diện các bộ, ban ngành liên quan, đại diện UNDP và nhiều chuyên gia trong nước cũng như quốc tế.
Phát biểu khai mạc, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam khẳng định, năm 2023 chứng kiến nhiều thách thức to lớn do biến đổi khí hậu gây ra, bao gồm nóng lên toàn cầu, băng tan ở hai cực và nước biển dâng cao. Việt Nam, với tham vọng lớn trong giảm phát thải ròng đến năm 2050, cần thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan để bảo đảm quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng, đặc biệt đối với thanh niên.
Bà Khalidi nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong giáo dục về biến đổi khí hậu. Bà cho rằng việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động của thanh niên là chìa khóa giải quyết khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam phát biểu khai mạc. (Ảnh: Thúy Hiền) |
Trong khuôn khổ chương trình, nhóm nghiên cứu về “Chuyển dịch năng lượng công bằng” và nhóm nghiên cứu “Giáo dục biến đổi khí hậu” lần lượt trình bày kết quả nghiên cứu, cơ hội, thách thức và giải pháp cải thiện chính sách chuyển dịch năng lượng công bằng và giáo dục biến đổi khí hậu.
Trong báo cáo "Tăng cường chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam: Góc nhìn của giới trẻ", ông Đào Mạnh Trí, đại diện nhóm nghiên cứu về chuyển dịch năng lượng công bằng cho biết, thanh niên thường bị hạn chế quyền tham gia vào các vấn đề quan trọng, bao gồm cả chuyển dịch năng lượng trong nhiều nền văn hóa.
Dù là nhóm dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhất, thanh niên sở hữu tiềm năng tác động đến chính sách. Song họ còn gặp nhiều rào cản, bao gồm thiếu tương tác với các bên có thẩm quyền. Hiện Việt Nam còn thiếu nghiên cứu về quan điểm của thanh niên trong quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng. Do đó, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát để lấp đầy khoảng trống này.
Ông Đào Mạnh Trí, đại diện nhóm nghiên cứu về chuyển dịch năng lượng công bằng trình bày quan điểm. (Ảnh: Xuân Tùng). |
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thanh niên Việt Nam quan tâm và tự tin vào khả năng thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, đặc biệt thông qua hoạt động giáo dục cộng đồng về biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo. Song, mối quan tâm này chủ yếu xuất phát từ ý thức trách nhiệm cộng đồng hơn là nhận thức về cơ hội kinh tế.
Để thanh niên tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển dịch xanh, họ cần được trang bị kiến thức và kỹ năng thông qua chương trình đào tạo, thực tập và hội thảo giáo dục. Thanh niên mong muốn nhận hỗ trợ từ chính phủ và khối tư nhân để nâng cao năng lực và đóng góp tích cực cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong báo cáo "Nhận thức của học sinh và giáo viên THPT về giáo dục biến đổi khí hậu ở Việt Nam", bà Lương Nguyễn Ngọc Mai - đại diện nhóm nghiên cứu “Giáo dục biến đổi khí hậu” tập trung làm sáng tỏ ba mục tiêu: thực trạng lồng ghép giáo dục về biến đổi khí hậu vào chương trình học hiện hành; quan điểm của giáo viên và học sinh với chương trình giáo dục biến đổi khí hậu; khả năng tiếp cận của học sinh trong quá trình tham gia các chương trình liên quan đến biến đổi khí hậu.
Để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục biến đổi khí hậu của thế hệ trẻ, bà Lương Nguyễn Ngọc Mai đề xuất một số giải pháp như: doanh nghiệp có thể phối hợp với nhà trường, địa phương để đẩy mạnh đầu tư tài chính và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục biến đổi khí hậu; nhà trường và giáo viên có thể phối hợp với doanh nghiệp lồng ghép thông tin về nghề nghiệp, việc làm xanh vào môn học hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Học sinh cần tận dụng tối đa các nguồn thông tin trực tuyến, đặc biệt là khóa học trên các nền tảng tin cậy như Climate learning hub, Thế hệ xanh.
Bạn Thái Hải Đăng đánh giá cao năng lực thế hệ trẻ hiện nay. (Ảnh: Thúy Hiền) |
Lễ công bố báo cáo giúp người trẻ đúc rút nhiều kiến thức bổ ích về biến đổi khí hậu, bạn Thái Hải Đăng bày tỏ, giới trẻ hiện nay, đặc biệt là các bạn ở thành thị, được tiếp cận nhiều thông tin và nhiều cơ hội nêu cao tiếng nói của mình. Còn các bạn trẻ nông thôn đa phần chưa có cơ hội và điều kiện như vậy, do đó, hy vọng các tổ chức phi chính phủ và nhà nước sẽ tạo cơ hội cho các bạn nêu lên tiếng nói của mình.
| Việt Nam tích cực hợp tác chống biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực Đại diện Việt Nam cho rằng Hội đồng Bảo an (HĐBA) cần và có thể làm nhiều hơn để phá vỡ vòng luẩn quẩn của ... |
| GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Tạo dựng hình ảnh đẹp về một Việt Nam coi trọng giáo dục và học tập suốt đời Theo GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng, Việt Nam vừa có thêm 2 thành phố trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố học tập ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam-Australia, mong muốn thu hút đầu tư vào giáo dục Sáng 8/3, tại thủ đô Canberra, trong chương trình chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Đại học ... |
| Việt Nam-Canada thúc đẩy hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo Ngày 14/3, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Đại sứ về biến đổi khí hậu Canada Catherine Stewart, Đại ... |
| Việt Nam phát biểu thay mặt Nhóm nòng cốt Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền Biến đổi khí hậu ngày càng gây khó khăn cho việc sản xuất và tiếp cận lương thực, đặc biệt là ở những khu vực ... |