📞

Liên hợp quốc thông qua bản “Kêu gọi Hành động” bảo vệ biển

09:26 | 10/06/2017
Ngày 9/6, Hội nghị Đại dương đầu tiên do Liên hơp quốc (LHQ) tổ chức đã bế mạc bằng một thỏa thuận mang tính toàn cầu nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm đại dương cùng với hơn 1.300 cam kết hành động để bảo vệ biển. 

Tại hội nghị, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, các đại diện cấp cao đã nhất trí thông qua bản "Kêu gọi Hành động" gồm 14 điểm để thực thi mục tiêu số 14 của chương trình Phát triển Bền vững, đó là bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn lợi từ biển.

Trong bản Kêu gọi Hành động, các quốc gia nhất trí thực thi những chiến lược mạnh mẽ và dài hạn để giảm bớt việc sử dụng các vật liệu làm từ nhựa. Các quốc gia cũng cam kết phát triển và thực thi những biện pháp để đối phó với tình trạng biển bị acid hóa, mực nước biển tăng, nước biển ấm lên, đồng thời xử lý những tác động có hại của sự biến đổi khí hậu đối với đại dương, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Bản Kêu gọi Hành động cũng bao gồm những biện pháp bảo vệ các hệ sinh thái ven biển, như là cây đước, đầm lầy, hải cẩu, cỏ rong... cũng như thúc đẩy việc quản lý các ngư trường một cách bền vững. Các quốc gia cũng được kêu gọi chấm dứt một số hình thức bao cấp cho ngành ngư nghiệp, vốn góp phần gây ra tình trạng đánh bắt cá bừa bãi. 

Toàn cảnh Hội nghị. (Nguồn: UN Web TV)

Bên cạnh đó, hàng nghìn đại diện xã hội dân sự, học giả, nghệ sĩ, đại diện các thiết chế tài chính và các nhà hoạt động môi trường cũng đưa ra những cam kết tự nguyện để làm trong sạch biển. Tính tới chiều 9/6, đã có hơn 1.300 cam kết tự nguyện được đăng lý.  Kéo dài trong tuần từ ngày 5-9/6, Hội nghị Đại dương thu hút sự tham gia của 6.000 đại biểu đánh dấu mốc lần đầu tiên Liên hợp quốc tập hợp tất cả các quốc gia thành viên để thảo luận về những thách thức mà các đại dương trên thế giới đang phải đối mặt.

Phát biểu trước giới báo chí tại New York, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Peter Thomson nói: "Chúng ta đã nâng được ngưỡng mức độ nhận thức của toàn cầu về các vấn đề mà đại dương đang phải đối mặt. Đại dương là di sản chung của loài người. Khi thảo luận về Đại dương, không có sự phân chia Nam-Bắc, Đông-Tây. Nếu đại dương chết, tất cả chúng ta cũng sẽ chết theo". 

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận một loạt vấn đề từ chất thải nhựa gây ô nhiễm biển tới nạn đánh bắt cá trái phép - tất cả đều có liên quan đến các chủ đề xóa đói nghèo, cải thiện sức khỏe, đảm bảo sự tiếp cận nước sạch và vệ sinh... Ngoài 8 phiên họp trù bị và 7 cuộc đối thoại đối tác, Hội Nghị Đại dương còn bao gồm 150 sự kiện bên lề, 41 triển lãm và nhiều cuộc phỏng vấn. 

Các điểm chính của bản Kêu gọi Hành động cũng như các cuộc thảo luận trong tuần này sẽ được chuyển tới Diễn đàn Chính trị cấp cao LHQ về Phát triển bền vững  (HLPF) – cơ quan được thành lập để theo dõi và đánh giá tiến trình thực thi chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững 2030 được thông qua tháng 9/2015. HLPF dự kiến sẽ nhóm họp vào tháng tới tại New York.

(theo TTXVN)