Từ tháng 12/2022, tuyên bố của Ủy ban châu Âu (EC) đã nhấn mạnh hai hành vi kinh doanh của Meta được cho là vi phạm các quy định chống độc quyền.
Meta đối mặt nhiều cuộc điều tra tại Liên minh châu Âu. (Nguồn: Reuters) |
Đầu tiên là Facebook tự động cho người dùng truy cập Marketplace mà không có lựa chọn từ bỏ dịch vụ.
Với hành vi này, EC tranh luận Marketplace đã có lợi thế phân phối đáng kể mà không đối thủ nào bắt kịp.
Vấn đề thứ hai được EC chỉ ra là cách Meta xử lý với những đối thủ của Marketplace.
Dù các dịch vụ khác có thể quảng bá bằng cách quảng cáo trên các nền tảng của Meta như Facebook, Instagram, điều khoản dịch vụ của Meta lại cho phép hãng thu thập dữ liệu về các chiến dịch quảng cáo này, rồi sau đó dùng dữ liệu này để làm lợi cho Marketplace.
Theo thông cáo báo chí của EC khi ấy, “nếu được xác nhận, các hành vi này sẽ vi phạm Điều 102 của Hiệp ước về Chức năng của EU, cấm lạm dụng vị thế thống trị thị trường”.
Nhiều khả năng EC công bố quyết định vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới, trước khi người phụ trách chống độc quyền Margrethe Vestager hết nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, người phát ngôn Meta khẳng định các cáo buộc của EC là không có căn cứ và công ty sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan quản lý để chứng minh sản phẩm của mình ủng hộ người tiêu dùng và cạnh tranh.
Nếu Meta bị phạt vì Marketplace, đây sẽ là án phạt chống độc quyền đầu tiên của hãng tại EU, song có thể không phải là lần cuối vì công ty của Mark Zuckerberg đang đối mặt với nhiều cuộc điều tra khác nhau.
Ngày 1/7, EC tạm thời xác định Meta vi phạm Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) của EU do mô hình thu phí người dùng, trong đó, người dùng trả phí hàng tháng để tránh bị thu thập dữ liệu và sử dụng phiên bản không quảng cáo, hoặc phải đồng ý chia sẻ dữ liệu cá nhân nhằm phục vụ quảng cáo nhắm mục tiêu, để tiếp tục sử dụng dịch vụ miễn phí. Meta trở thành công ty thứ hai bị tố vi phạm Đạo luật DMA của EU sau Apple. Đạo luật này đặt ra các quy tắc mới cho một số hãng công nghệ lớn nhất thế giới và hỗ trợ các cơ quan quản lý giải quyết nhanh chóng các hành vi bị cho là phản cạnh tranh. |