Các nhà lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Phi (AU) tham dự Hội nghị thượng đỉnh của khối trong hai ngày 18-19/2 tại Ethiopia. (Nguồn: Reuters) |
Hầu hết, các cuộc thảo luận là các phiên họp kín với sự tham dự của hơn 30 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước trong khu vực.
Giới quan sát đang theo dõi liệu AU có thể thúc đẩy được lệnh ngừng bắn ở vùng Sahel và miền Đông CHCD Congo hay không.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia châu Phi "hành động vì hòa bình", cho rằng lục địa với 1,4 tỷ dân này đang đối mặt với "những thử thách to lớn trên hầu hết các mặt trận".
Ông cũng cảnh báo các cơ chế hòa bình đang càng suy yếu, đồng thời kêu gọi AU tiếp tục đấu tranh vì hòa bình.
Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề Hội nghị, Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của AU Bankole Adeoye cho biết, liên minh này tiếp tục đình chỉ tư cách thành viên của 4 quốc gia do quân đội cai trị ở vùng Sahel gồm Burkina Faso, Guinea, Mali và Sudan.
Theo ông, "AU sẽ không khoan nhượng đối với việc thay đổi chính phủ một cách vi hiến, song sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thành viên trên trở lại trật tự hiến pháp".
Ngoài ra, AU cho hay, tư cách quan sát viên của Israel tại khối này cũng đã bị đình chỉ và do đó Nhà nước Do Thái không được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần qua.
Trước đó, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy lính canh hộ tống Phó Tổng vụ trưởng phụ trách châu Phi của Bộ Ngoại giao Israel Sharon Bar-li ra khỏi hội trường AU ở thủ đô Addis Ababa.
Về tình hình Libya, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat cho biết, liên minh này sẽ tổ chức một hội nghị hòa giải quốc gia cho đất nước Bắc Phi này.
Theo ông Mahamat, đại diện của AU đã gặp gỡ các bên liên quan để thảo luận về thời gian cũng như địa điểm tổ chức hội nghị, dự kiến do người đứng đầu AU về Libya, Tổng thống Cộng hòa Congo Denis Sassou Nguesso, chủ trì.
Hội nghị thượng đỉnh AU cũng hướng tới mục tiêu đẩy nhanh việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA), được các quốc gia châu Phi ký kết vào tháng 7/2019 sau 17 năm đàm phán và bắt đầu được thực thi từ ngày 1/7/2020.