Mặc dù chỉ là sáng kiến, cơ chế hợp tác khu vực chứ không phải liên minh, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, nhưng cái tên với ý nghĩa bao trùm một khu vực khá rộng như vậy giúp cho nó có thể phát triển và kết nạp thêm thành viên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng lãnh đạo các nước Đông Âu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ba Biển tại Warsaw, Ba Lan ngày 6/7.(Nguồn: Poland at Sea) |
Sự phát triển mới đây của Intermarium chính là sáng kiến Ba Biển - một ý tưởng của Ba Lan và Croatia quy tụ các quốc gia nằm ở khu vực giữa biển Baltic, biển Adriatic và biển Đen. Diễn ra hồi tuần trước tại Warsaw, Hội nghị thượng đỉnh Ba Biển còn có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump, qua đó cho thấy sự ủng hộ của Washington với sáng kiến này.
Dù vậy, những sáng kiến tiền đề cho một liên minh mới tại châu Âu nói trên đang làm nảy sinh nhiều lo ngại.
Trước tiên, nếu phía Đông của châu Âu hình thành một liên minh đa quốc gia, khối này sẽ đóng vai trò như tuyến phân chia giữa Nga và phần còn lại của châu Âu. Điều này sẽ khiến châu Âu càng thêm chia rẽ, trong khi phần lớn người dân châu Âu không muốn quay trở lại bối cảnh chính trị của thời Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, hầu hết người châu Âu tin tưởng rằng họ có thể dung hòa lợi ích cũng như không gây thêm xung đột với Nga.
Trên thực tế, các nước tham gia sáng kiến Ba Biển rất khó tạo nên một thể chế đa quốc gia tại khu vực, bởi điều này đòi hỏi thời gian, tiền bạc và sự thống nhất ý chí chính trị.
Bên cạnh đó, việc Sáng kiến Ba Biển trở thành một liên minh sẽ gián tiếp tạo ra thách thức kinh tế với Liên minh châu Âu (EU), bởi dù phần lớn thành viên của sáng kiến này nằm ngoài khu vực đồng Euro nhưng lại là các nước năng động nhất về kinh tế của châu Âu. Hiện các nền kinh tế Đông Âu đang trên đà phát triển và họ nắm trong tay lực lượng lao động có trình độ học vấn, tay nghề cao và mức lương rẻ.
Cuối cùng, sự tham gia của các nước Balkan sẽ làm “thay da đổi thịt” Sáng kiến Ba Biển, song lịch sử xung đột của các nước này cũng sẽ là cản trở cho sự phát triển của khối. Một trong những thất bại mà EU từng vấp phải là sự mở rộng mà không xem xét cẩn thận về cách các nước thành viên mới có thể hợp tác với các thành viên cũ. Lịch sử cho thấy việc mở rộng phải được tổ chức một cách hệ thống, chu đáo và kỷ luật.