Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng lúa mạch của Australia trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao leo thang giữa hai đối tác thương mại. (Nguồn: Bloomberg) |
Sau khi Bắc Kinh quyết định áp thuế đối với lúa mạch và tạm dừng nhập khẩu thịt bò của Canberra, Bloomberg cho hay, Trung Quốc mới đây đã đưa ra danh sách các mặt hàng dễ hư hỏng của Australia, bao gồm rượu vang, sữa, hải sản, bột yến mạch và trái cây – những loại hàng hóa có thể sẽ phải đối mặt với các rào cản phi thuế quan bổ sung như thắt chặt kiểm tra chất lượng, thăm dò chống bán phá giá, đánh thuế hoặc trì hoãn thông quan.
Các nguồn tin cho biết, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang khuyến khích người tiêu dùng nước này tẩy chay các sản phẩm của Australia bằng bất kỳ biện pháp bổ sung nào, phụ thuộc vào cách thức Canberra giải quyết sự phản đối của Bắc Kinh đối với lập trường ngoại giao của xứ sở kangaroo về đại dịch Covid-19.
Quan hệ Trung Quốc-Australia đang ở mức thấp kể từ khi Bắc Kinh công bố áp dụng mức thuế chống bán phá giá 80,5% đối với sản phẩm lúa mạch Canberra trong tuần này và tạm ngưng nhập thịt bò từ bốn lò mổ của xứ sở chuột túi vào tuần trước.
Bên cạnh đó, tuyên bố sẽ dán nhãn các sản phẩm hải quan bất hợp pháp và tính toán không công bằng về thuế chống bán phá giá của thị trường đông dân nhất thế giới đã khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại về một cuộc trả đũa thuế quan.
Những động thái trên đã làm dấy lên đồn đoán ở Australia rằng, Trung Quốc đang sử dụng các yêu cầu kĩ thuật để trừng phạt Canberra vì lý do chính trị, bởi Bắc Kinh bị nghi ngờ đã thực hiện đòn đáp trả tương tự đến các quốc gia khác trong quá khứ. Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không có ý định công khai thừa nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa đòn trả đũa thương mại với việc Australia kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của coronavirus.
Ngày 20/5, ba công ty Trung Quốc chuyên nhập khẩu các sản phẩm sữa, hải sản, thịt, rượu và ngũ cốc của Australia đã nói với South China Morning Post rằng họ không nhận được bất kỳ câu hỏi nào từ phía các nhà chức trách Trung Quốc. Tại Australia, một nhà xuất khẩu kinh doanh nông sản thủy sản lớn cho biết họ không nhận được bất kỳ khiếu nại nào về các sản phẩm được vận chuyển gần đây.
Phát ngôn viên của Bộ Công nghiệp Thủy sản Australia cho biết, Canberra đang để mắt đến quan hệ thương mại với Bắc Kinh và từ chối đưa ra bình luận về động thái trên. Về phần mình, Tập đoàn công nghiệp ngũ cốc Grain Growers khẳng định không thấy có vấn đề gì với xuất khẩu bột yến mạch sang Trung Quốc.
Các nhà xuất-nhập khẩu kỳ vọng, Thỏa thuận thương mại tự do Trung Quốc- Australia (ChAFTA) được ban hành giữa hai nước vào năm 2015 cùng một số giải pháp ngoại giao sẽ hạn chế căng thẳng thương mại Bắc Kinh-Canberra leo thang.