📞

Liệu Trung Quốc có phải là siêu cường về kinh tế?

Bảo Anh 10:08 | 20/06/2020
TGVN. Nhiều người cho rằng khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng là lỗ hổng lớn nhất trong hệ thống quản lý nhà nước của Trung Quốc...
Với công bố có đến hơn 40% dân số đang phải sống chật vật, Trung Quốc sẽ được xem là một nước đang phát triển? (Nguồn: Getty Images)

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 5 vừa qua phát biểu tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc rằng có hơn 40% số hộ gia đình ở Trung Quốc có thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng khoảng 1.000 Nhân dân tệ (CNY), tương đương 1.621 USD/năm.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 15/6, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) đã xác nhận tuyên bố trên Thủ tướng trong một công bố về khảo sát mức thu nhập năm 2019 của người dân ở quốc gia có dân số đông nhất thế giới này.

Đây là thông tin thực sự gây sốc vì lẽ Trung Quốc là một trong hai siêu cường kinh tế trên thế giới với GDP danh nghĩa đạt khoảng 14.150 tỷ USD (bình quân đầu người hơn 10.000 USD/năm). Nếu tính theo GDP sức mua tương đương thì Trung Quốc vượt xa Mỹ (GDP sức mua tương đương của Trung Quốc là 27.310 tỷ USD trong khi GDP danh nghĩa/GDP sức mua tương đương của Mỹ chỉ đạt 21.500 tỷ USD vào năm 2019).

Nhưng với 40% dân số (hơn 600 triệu người), tương tương tổng dân số 10 nước ASEAN cộng lại, có mức thu nhập chỉ đạt 1.621 USD/năm thì Trung Quốc lại là một trong những nước khó khăn nhất thế giới.

Cũng theo công bố của NBS (được SCMP trích dẫn), thì có đến 20% số hộ gia đình thượng lưu ở Trung Quốc có mức thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng khoảng 6.367 CNY (tương đương 900 USD/tháng hay 10.800 USD/năm).

Nếu đây là số liệu đáng tin cậy thì vách ngăn giàu nghèo giữa người dân Trung Quốc là rất lớn.

Trên trang Weibo của Trung Quốc, nhiều người bày tỏ lo lắng với phát biểu của Thủ tướng. Nhiều người cho rằng khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng là lỗ hổng lớn nhất trong hệ thống quản lý nhà nước của Trung Quốc. Số lượng người có thu nhấp thấp rất lớn và vẫn đang tăng lên sẽ gây sức ép với chính quyền trung ương.

Tuy nhiên, trong một phát biểu hồi tháng 3 năm nay, Tổng Bí thư Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc đã có những thành công mang tính đột phá trong việc xóa đói giảm nghèo. Tờ Financial Times trích dẫn lời ông Tập Cận Bình rằng: “Chúng tôi gần như đã đạt được mục tiêu đặt ra và về cơ bản đã xóa đói giảm nghèo ở cấp độ vùng miền”.

Sự không nhất quán trong phát biểu của hai nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc gây nghi ngờ cho các nhà quan sát. Nhiều người nghi ngờ động cơ tại sao Trung Quốc lại công bố số liệu này vào đúng lúc khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có những diễn biến phức tạp?

Những người theo thuyết âm mưu cho rằng với công bố có đến hơn 40% dân số đang phải sống chật vật, Trung Quốc sẽ được xem là một nước đang phát triển. Như vậy, họ sẽ có cơ hội áp dụng các chính sách ưu đãi thuế; cơ hội tránh được nghĩa vụ phải đóng góp nhiều cho quốc tế; đồng thời tránh được sự nghi ngờ của Mỹ và đồng minh về mối đe dọa “siêu cường” từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng số liệu công bố trên là có cơ sở. Theo NBS, mức thu nhập của phần đông cư dân ở khu vực nông thôn, khu vực miền trung và miền tây nước này vẫn còn thấp. Báo cáo hồi tháng 1/2020 của tỉnh Giang Tô, một trong những tỉnh giàu nhất của Trung Quốc, có đến 17 dân tộc thiểu số tại tỉnh này vẫn đang sống ở dưới mức nghèo khổ.

Hệ số Gini - thước đo bất bình đẳng giàu nghèo của Trung Quốc đã tăng mạnh trong 3 năm liên tiếp từ 2015 đến 2018, đạt mức 0,468 - phản ánh bất bình đẳng thu nhập nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc nhiều tỉnh của Trung Quốc lâu nay hạ chuẩn đánh giá nghèo là 3.500 CNY/người/năm (thấp hơn chuẩn của Ngân hàng Thế giới là 4.800 CNY/người/năm) đã mang đến những thành tích ảo về xóa đói giảm nghèo ở nước này.

Xem ra, Trung Quốc chưa thật là “siêu cường” về kinh tế!