Quảng trường cổ tại thành cổ Palmyra trước khi bị IS phá hủy. (Nguồn: AFP) |
Bộ trưởng Văn hóa Italy Dario Franceschini trong một tuyên bố cho biết, 53 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ đề nghị này sau khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phá hủy các di chỉ cổ trên thế giới, gồm cả thành cổ Palmyra ở Syria. Ông bổ sung rằng, các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an cũng đã ủng hộ ý tưởng này.
Theo đó, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có thể được cử đến "các khu vực quan trọng có nguy cơ bị tấn công khủng bố, khu vực chiến tranh, hoặc vùng bị thiên tai để bảo vệ hoạc ngăn chặn việc các di sản bị phá hủy".
Bộ trưởng Franceschini đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc "ngay lập tức xác định lĩnh vực hoạt động của lực lượng đặc nhiệm quốc tế này" để bắt đầu cơ chế phái cử lực lượng, mà theo Hiến chương Liên hợp quốc chỉ nằm dưới quyền điều động của Hội đồng Bảo an..
IS đã nắm quyền kiểm soát Palmyra kể từ tháng Năm vừa qua và khiến cộng đồng quốc tế hoảng sợ khi lực lượng này tìm cách phá hủy những di chỉ quan trọng bậc nhất của thành phố này thuộc danh sách Di sản thế giới của UNESCO.
Ngoài Palmyra, IS cũng đã tiến hành một chiến dịch tàn phá các di sản văn hóa khác tại Syria và Iraq, bao gồm cả các khu vực quan trọng của Iraq như Hatra, Nimrud và Khorsabad – thủ đô của người Assyria cổ đại.
IS còn bị cáo buộc đứng đằng sau các cuộc tấn công mười di tích tôn giáo và lịch sử ở Timbuktu – thành phố di sản thế giới được UNESCO công nhận ở Mali.
Minh Tuấn (theo AFP)