📞

Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương

13:39 | 04/04/2017
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca này đã in sâu trong tâm thức của mỗi người con đất Việt từ nhiều đời nay. Thông điệp từ Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ dừng lại ở việc thờ cúng, biết ơn người sáng lập ra đất nước mà còn mở rộng quy mô, nâng tầm thành một loại hình tín ngưỡng của người dân Việt Nam.

Hướng về cội nguồn dân tộc

Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ trọng đại của dân tộc Việt Nam. Ngày 6/12/2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

UNESCO đánh giá “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với Tổ tiên. Bên cạnh đó, sức sống trường tồn và mạnh mẽ của tín ngưỡng này cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng cũng là một trong những ưu điểm góp phần nâng cao giá trị của di sản. Điều này càng khẳng định vị trí, tầm quan trọng của tục thờ cúng Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng trong đời sống văn hóa của dân tộc.

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương trở thành hình thức sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc của dân tộc Việt Nam. (Nguồn: Pháp luật Việt Nam)

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng người Việt hàng nghìn năm nay. Tín ngưỡng không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và đức tin của người Việt vào các vị thánh thần bảo hộ, mà còn trở thành đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước. Tín ngưỡng góp phần hun đúc lòng tự hào, tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương nòi của người Việt Nam.

Từ hàng nghìn năm nay, cứ đến dịp 10/3 âm lịch, người Việt Nam lại hành hương về đền Hùng để tri ân tiên tổ. Lòng biết ơn, thành kính tổ tiên đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1969: “Từ lòng biết ơn đến sự tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên gia đình, dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng và phụng thờ một tổ tiên chung của toàn dân tộc - các vua Hùng”.

Chính vậy, tín ngưỡng thờ Hùng Vương trở thành hình thức sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc của dân tộc Việt Nam và giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa lớn của dân tộc. Từ năm 2000, cứ 5 năm 1 lần, lễ hội Đền Hùng được tổ chức theo nghi thức Quốc giỗ.

Không gian lễ hội trải rộng nổi bật

Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương thường được tổ chức theo truyền thống văn hóa của dân tộc. Trong phần lễ, nghi thức dâng hương của các đoàn đại biểu được tiến hành long trọng tại đền Thượng. Phần hội, diễn ra quanh chân núi Hùng. Các hình thức văn hóa truyền thống và hiện đại được tổ chức đan xen nhau, nổi bật là những trò chơi văn hóa dân gian…

Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu 2017 diễn ra từ ngày mùng 1 đến 6/4 (tức mùng 5 đến 10/3 Âm lịch) với sự tham gia góp giỗ của đại diện 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thái Bình, Bến Tre và Bình Phước. Phần chính của Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại Đền Thượng vào hồi 6h30 phút ngày 6/4/2017 (tức mùng 10/3 Âm lịch).

Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu 2017 diễn ra từ ngày mùng 1 đến 6/4. (Nguồn: Infonet)

Không gian lễ hội năm nay tiếp tục được trải rộng từ Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đến khu vực sân khấu Nam Đồng Mạ của thành phố Việt Trì. Đặc biệt, trong dịp Giỗ Tổ năm nay diễn ra một số hoạt động văn hóa, văn nghệ như: Triển lãm ảnh đẹp du lịch và ảnh nghệ thuật về quê hương, con người Phú Thọ-2017 tại bờ hồ Công viên Văn Lang; biểu diễn múa rối nước; trình bày tư liệu về Di sản Hát Xoan tại miếu Lãi Lèn; lễ hội dân gian đường phố và chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu-2017 tại Quảng trường Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội-Đất Tổ Hùng Vương”.

Một trong những điểm nhấn của lễ hội năm nay còn có Hội sách Đất Tổ năm 2017 diễn ra từ ngày 2 đến 6/4/2017 (tức mùng 6 đến 10/3 Âm lịch). Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao khác được tổ chức như mọi năm nhưng đều có quy mô lớn hơn, nội dung phong phú, đa dạng và đổi mới hơn. Qua đó, góp phần quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch, tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc trong, ngoài tỉnh giao lưu học hỏi, cùng gìn giữ và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Mặc dù chưa đến chính hội, nhưng sau hai ngày khai hội đã có khoảng 2 triệu lượt du khách hành hương về Khu di tích Đền Hùng.

(theo TTXVN)