Đơn giản, hiệu quả và ít rủi ro
Trong thời buổi bão hòa các chương trình nghệ thuật, làng showbiz của một năm trở lại đây khá nhàm chán và tĩnh lặng, nhiều nghệ sĩ đã chuyển đích nhắm sang đối tượng là học sinh sinh viên. Họ đua nhau làm liveshow dành cho nhóm đối tượng khá hùng hậu này. Bởi giới sinh viên chưa bao giờ thôi “khát” các chương trình ca nhạc và luôn hưởng ứng hết mình mỗi khi có ca sĩ đến trường học biểu diễn, dù đó là ca sĩ mới nổi hay đã thành danh. Sự hưởng ứng hết mình với âm nhạc, và sẵn sàng cuồng nhiệt khiến cho các ca sĩ có được cảm hứng biểu diễn và đặc biệt là trong thời buổi thị trường âm nhạc đang “èo uột” thì ca sĩ rất cần không khí “máu lửa” của giới sinh viên để tạo cảm hứng cho mình.
Một điều quan trọng nữa của những liveshow dành cho sinh viên là sự đầu tư không nhiều, không cần cầu kỳ về bài trí sân khấu, không cần phải có ghế ngồi sang trọng, thậm chí cũng không cần hệ thống âm thanh, ánh sáng tối tân. Sinh viên chỉ cần nghe hát và cần một không gian đủ rộng để họ sống với âm nhạc. Liveshow miễn phí dành cho sinh viên của ca sĩ Cao Thái Sơn năm vừa rồi diễn ra tại Nhà hát Quân đội với sự giản đơn đến không thể giản đơn hơn, sâu khấu gần như chỉ có một tấm phông và những gì ca sĩ mang đến cho sinh viên là giọng hát mà thôi. Hay tour biểu diễn của nhóm MTV tại một số trường đại học khu vực Hà Nội cũng gây được sự chú ý và được giới sinh viên đặc biệt hưởng ứng dù ngày biểu diễn trời mưa to, âm thanh không đủ chất lượng và phần đầu tư sân khấu không có gì đặc biệt.
Đối tượng sinh viên luôn là tầng lớp khán giả tiềm năng, nên việc hướng đến làm liveshow dành cho sinh viên để thiết lập lại mối quan hệ với lượng công chúng tiềm năng này được coi là sự lựa chọn khá khôn ngoan. Năm nay, trước thực trạng công chúng không mấy mặn mà với những buổi biểu diễn hoành tráng với các mức vé lên tới cả triệu đồng, thì nhiều ca sĩ từ hạng “sao sáng” đến hạng “sao mai”, “sao mới nhú” đã nhanh chóng nắm bắt được kế sách khôn ngoan này và chuyển hướng sang chuẩn bị liveshow cho sinh viên.
Nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng dù đã rất thành công với 2 liveshow trong năm trước nhưng đến năm 2008, anh quyết định thực hiện một tour xuyên Việt từ Nam ra Bắc dành cho sinh viên mang tên “Thập toàn thập mỹ”. Dự định tour này sẽ biểu diễn ở Hà Nội 4 ngày (18, 20, 25 và 27/4). Sau liveshow của Mr Đàm, hàng loạt những ca sĩ trẻ đang bước đầu thời kỳ khẳng định mình trên con đường ca hát cũng dự định làm tour biểu diễn phục vụ đối tượng là sinh viên các trường đại học như: Anh Khoa (cuối tháng 4 này), Hà Anh Tuấn, Minh Thư... Những tour biểu diễn đã được lên kế hoạch chắc chắn và sẽ được thực hiện rải rác từ nay cho đến hết năm, với mục tiêu không gì khác là củng cố và nâng cao số lượng fan hâm mộ cho mình.
Dễ kêu gọi kinh phí
Phần lớn những liveshow dành cho sinh viên đều mang tính chất “chiêu đãi” là chính, tức vào cửa miễn phí. Tuy là miễn phí nhưng chẳng mấy ca sĩ tự bỏ tiền túi ra để làm chương trình mà chủ yếu vẫn do các nhà tài trợ đứng đằng sau hỗ trợ về mặt kinh phí. Một thực tế là, nếu những chương trình bán vé với sự đầu tư hàng tỷ đồng, ca sĩ phải chật vật khi đi tìm và gọi tài trợ, bởi các nhà tài trợ cũng e ngại về lượng khán giả và hiệu quả truyền thông của chương trình. Nhưng với một chương trình dành cho sinh viên, mang tính cộng đồng và xã hội cao, các ca sĩ dễ dàng nhận được sự chấp thuận của các nhà tài trợ mạnh.
Đã có những hãng lớn tài trợ toàn bộ chi phí để làm một chương trình nghệ thuật và hằng năm vẫn tổ chức những đêm đại nhạc hội. Vì thế, nếu ca sĩ xin tài trợ để làm các chương trình riêng phục vụ giới học sinh sinh viên thì rất dễ nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của các hãng này.
Khi có sự tham gia của nhà tài trợ thì ca sĩ buộc phải chấp nhận một số ràng buộc như để nhà tài trợ độc quyền quảng cáo, logo xuất hiện trên các băng rôn và các đơn vị truyền thông, thậm chí nhà tài trợ còn có thể can thiệp vào kịch bản chương trình. Ở một chương trình dành cho sinh viên, yêu cầu về mặt nghệ thuật của chương trình không quá khắt khe, ca sĩ dễ dàng chấp nhận chịu sự can thiệp này, đây cũng là lý do các chương trình dành cho sinh viên dễ kêu gọi kinh phí hơn những chương trình ca sĩ làm liveshow kỷ niệm của mình.
Tất nhiên, nếu ca sĩ nào muốn được tự do sáng tạo, muốn được hát hết mình vì sinh viên mà không chịu sự ràng buộc hay áp đặt nào thì phải chịu bỏ 100% tiền túi. Ca sĩ Tuấn Hưng tâm sự, liveshow của anh dành cho sinh viên năm 2006 là do anh tự bỏ tiền ra thực hiện vì không chấp nhận được sự đòi hỏi của nhà tài trợ.
Với lợi ích của cả 3 bên: sinh viên được thưởng thức nghệ thuật miễn phí, ca sĩ được thể hiện mình với khán giả cuồng nhiệt, nhà tài trợ cũng mưu lợi được việc quảng bá hình ảnh... có lẽ, năm 2008 sẽ là năm bùng nổ nhiều tour biểu diễn miễn phí dành cho sinh viên.
Theo Sức Khỏe và Đời Sống