📞

Lo ngại mức độ nguy hiểm, Nhật Bản hối thúc nhiều nước tham gia công ước về bom, đạn chùm

Hạnh Lê 17:03 | 24/07/2023
Ngày 24/7, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihiko Isozaki thông báo, Tokyo kiên quyết ủng hộ việc mở rộng số lượng các bên tham gia Công ước về bom chùm, đạn chùm (CCM), sau vụ tấn công của Ukraine.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo bom, đạn chùm Mỹ gửi đến Ukraine sẽ gây nhiều thương vong cho người dân. (Nguồn: Reuters)

Trong buổi họp báo ngày 24/7, ông Isozaki khẳng định: “Chúng tôi biết rằng, vào ngày 22/7, Bộ Quốc phòng Nga đưa ra tuyên bố về vụ pháo kích khiến bốn nhà báo Nga bị thương, (được cho là) do Ukraine thực hiện bằng cách sử dụng bom chùm, đạn chùm”.

Theo ông, lập trường của Nhật Bản là càng nhiều nước tham gia CCM càng tốt. Tuy nhiên, cùng lúc đó, Tokyo tiếp tục cùng các thành viên khác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Hôm 22/7, Bộ Quốc phòng Nga cho hay, bốn nhà báo của hãng thông tấn Izvestia RIA Novosti đã bị thương do bom chùm của Ukraine ở vùng Zaporizhzhia, trong đó có một người đã thiệt mạng khi đang sơ tán.

Trước đó, hồi đầu tháng 7, Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, bao gồm bom và đạn chùm. Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã cảnh báo, lực lượng Moscow sẽ buộc phải sử dụng vũ khí tương tự - vốn nước này đã lưu trữ trong kho thời gian qua - để chống lại quân đội Ukraine.

Thông báo của Washington đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các tổ chức phi chính phủ, khiến một số nước châu Âu rơi vào thế khó xử vì khả năng phát tán rộng và nguy cơ gây ra nhiều thương vong cho dân thường của loại vũ khí gây nhiều tranh cãi này.

Bom chùm - được thiết kế để phát tán số lượng lớn bom, đạn con trên phạm vi rộng - đã bị nhiều quốc gia cấm sử dụng do nguy cơ lượng bom chưa kích nổ gây thương vong cho dân thường.

Năm 2008, 123 quốc gia đã ký Công ước Oslo 2008 - công ước quốc tế cấm sản xuất, tàng trữ, buôn bán và sử dụng loại vũ khí này. Tuy nhiên, Mỹ, Nga, Ukraine, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Hàn Quốc đều chưa tham gia ký kết.

(theo Reuters/Sputnik/The Hill)