EU đã dự đoán nguồn cung khí đốt có thể bị gián đoạn nghiêm trọng. Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 ở Lubmin, Đức. (Nguồn: Reuters) |
Sau cuộc họp với các bộ trưởng năng lượng trong khối, bà Simson cho biết, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU đã dự đoán nguồn cung khí đốt có thể bị gián đoạn nghiêm trọng và giờ đây khả năng này lại càng cao.
Ủy viên về năng lượng của EU nói: "Chúng tôi đã có những bước chuẩn bị quan trọng cho trường hợp này. Nhưng giờ là thời điểm để thúc đẩy chúng".
Tháng tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trình bày một kế hoạch để các nước EU phối hợp chuẩn bị cho các cú sốc về khí đốt trong tương lai, khi Nga đã cắt đứt hay giảm nguồn cung sang 12 trong số 27 nước thành viên của khối.
Kế hoạch này của EU sẽ đưa ra các biện pháp để giảm nhu cầu khí đốt và xác định các lĩnh vực quan trọng mà nếu cắt giảm nhu cầu khí đốt có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Các nước EU phần lớn phải tự chịu trách nhiệm cho chính sách năng lượng của riêng mình và bà Simson hối thúc chính phủ các nước hành động ngay để cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ, nhằm đảm bảo kho dự trữ đủ để chịu được các cú sốc nguồn cung trong mùa Đông tới.
Theo dữ liệu từ Cơ quan quản lý cơ sở hạ tầng năng lượng châu Âu Gas Infrastructure Europe, tổng kho dự trữ khí đốt của các nước EU hiện đang đầy 57%.
Mức lấp đầy kho dự trữ của các nước hiện đang chênh nhau. Trong khi kho dự trữ của Đức đang đầy 57% thì tỉ lệ này của Ba Lan là 97% và Hungary là 39%.
Cùng ngày, phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang diễn ra ở Đức, một quan chức Mỹ cho biết, lãnh đạo G7 đang tiến rất gần tới quyết định đề ra mức giá trần toàn cầu đối với dầu mỏ Nga.
Theo quan chức này, mục tiêu của kế hoạch này là nhằm lấy đi một nguồn thu chính của Moscow cũng như làm hạ giá dầu của nước này. Mỹ sẽ áp mức thuế cao hơn đối với hơn 570 nhóm các mặt hàng của Nga trị giá gần 2,3 tỷ USD.