Mỹ đưa ra cảnh báo nếu các cơ quan an ninh quốc gia không áp dụng công nghệ AI theo cách phù hợp, nước này có "nguy cơ bị các đối thủ như Trung Quốc gây bất ngờ về mặt chiến lược". (Nguồn: Shutterstock) |
Khung kế hoạch này được ông Biden ký kết, xuất hiện một năm sau khi ông ban hành sắc lệnh về việc quản lý AI, nhằm đảm bảo rằng các cơ quan an ninh quốc gia có thể tiếp cận với các công nghệ AI mạnh mẽ nhất, trong khi vẫn quản lý các rủi ro liên quan.
Trước đó, một quan chức Mỹ đã đưa ra cảnh báo, nếu các cơ quan an ninh quốc gia không áp dụng công nghệ AI theo cách phù hợp, nước này sẽ có "nguy cơ bị các đối thủ như Trung Quốc gây bất ngờ về mặt chiến lược".
Quan chức này cũng lưu ý, các quốc gia như Trung Quốc đang hiện đại hóa năng lực quân sự và tình báo thông qua AI, khiến "điều đặc biệt cấp thiết là Washington phải đẩy nhanh việc các cơ quan an ninh quốc gia áp dụng và sử dụng các năng lực AI tiên tiến để duy trì lợi thế cạnh tranh".
Tin liên quan |
Cuộc chiến chất bán dẫn: Trung Quốc đang bước lùi, Mỹ có thể tự mãn? |
Phát biểu tại Đại học Quốc phòng quốc gia ở Washington hôm 24/10, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan khẳng định: "Đây là chiến lược đầu tiên của Mỹ nhằm khai thác sức mạnh và quản lý rủi ro của AI để thúc đẩy an ninh quốc gia".
Ông Sullivan cảnh báo rằng Mỹ cần phải "trở nên cạnh tranh, đưa ra một con đường hấp dẫn hơn, lý tưởng nhất là trước khi các quốc gia khác đi quá xa trên một con đường không đáng tin cậy mà có thể gây tốn kém và khó có khả năng quay đầu".
Bản ghi nhớ đưa ra hôm thứ Năm (24/10) cũng yêu cầu các cơ quan an ninh Mỹ "theo dõi, đánh giá và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến AI như xâm phạm quyền riêng tư, thiên vị và phân biệt đối xử, an toàn của cá nhân và nhóm, cũng như các vi phạm nhân quyền khác".
Ngoài ra, văn bản cũng khuyến khích Washington hợp tác với các đồng minh để đảm bảo rằng AI "được phát triển và sử dụng theo đúng luật pháp quốc tế trong khi bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản".
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh sự tham gia gần đây của Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề này, đồng thời cho biết Washington "sẵn sàng tham gia đối thoại" với Bắc Kinh và các nước khác "để hiểu rõ hơn về rủi ro và chống lại nhận thức sai lầm".
Trong các cuộc đàm phán vào tháng 11/2023, Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí đối thoại về rủi ro và an toàn của AI. Vào tháng 5, các chuyên gia AI của Washington đã gặp gỡ các quan chức Bắc Kinh tại Geneva để thảo luận về vấn đề AI, được ông Sullivan nhắc đến với ấn tượng là một "cuộc trò chuyện ban đầu thẳng thắn và mang tính xây dựng".
Tháng 2/2024, Trung Quốc và Nga cam kết phối hợp tốt hơn về việc sử dụng AI trong quân sự. Tháng 3/2024, Mỹ tài trợ cho Nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về AI, được thông qua nhất trí và đồng tài trợ bởi Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Sullivan cũng nhấn mạnh những động thái từ Bắc Kinh không làm giảm bớt mối quan ngại sâu sắc của Washington về những cách thức mà Trung Quốc đang sử dụng AI.
"AI nên được sử dụng để mở khóa các tiềm năng và trao quyền cho tất cả mọi người, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển. Họ không muốn bị bỏ lại phía sau, và chúng tôi cũng không muốn điều đó", ông Sullivan khẳng định.
Theo Nhà Trắng, bản ghi nhớ cũng chỉ rõ, việc giám sát các hành động các đối thủ cạnh tranh nhằm chống lại các bước tiến trong lĩnh vực AI của nước này là "ưu tiên tình báo hàng đầu", chỉ đạo các cơ quan chính phủ cung cấp cho các nhà phát triển AI "thông tin an ninh mạng và phản gián kịp thời cần thiết để giữ an toàn cho các phát minh".
Biên bản này cũng kêu gọi cần có các bước để cải thiện tính bảo mật và tính đa dạng của chuỗi cung ứng chip khi Mỹ phát triển thế hệ siêu máy tính tiếp theo của chính phủ và các công nghệ tiên tiến khác.
Cuộc cạnh tranh công nghệ giữa hai siêu cường đang ngày càng trở nên gay gắt với việc Washington trợ cấp hàng USD cho ngành công nghiệp bán dẫn và tăng cường các biện pháp nhắm vào lĩnh vực công nghệ cao của Bắc Kinh, lĩnh vực mà Mỹ cho rằng có khả năng gây ra các mối đe dọa đến an ninh quốc gia.
Ngoài lệnh hạn chế xuất khẩu chip, chính quyền Biden cũng đang triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và lệnh cấm đầu tư liên quan đến AI trong khi cân nhắc các động thái tiếp theo để hạn chế quyền truy cập của Trung Quốc đối với các mô hình ngôn ngữ lớn có thể giúp Bắc Kinh phát triển một hệ thống AI như ChatGPT. Đồng thời, thúc giục các đồng minh áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn và ra mắt mạng lưới an ninh khoáng sản nhằm cố gắng cắt đứt Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ.
| Sau 2 năm 'nguội lạnh' về quan hệ quân sự, Trung Quốc lần đầu tiên cử tướng phụ trách về Biển Đông đến Mỹ Ngày 24/9, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo, Tư lệnh Chiến khu miền Nam, Tướng Ngô Diên An, phụ trách vấn đề Biển Đông ... |
| Trung Quốc kêu gọi các công ty trong nước tránh xa chip của Nvidia Bắc Kinh thúc giục các công ty của nước này mua chip trí tuệ nhân tạo do trong nước sản xuất thay vì sản phẩm ... |
| Hai đối thủ tăng cường 'phô' sức mạnh, vị thế USD vẫn 'vững như thạch bàn', vì sao vậy? Những năm gần đây, đồng EUR và đồng Nhân dân tệ (NDT) đã nổi lên như những đối thủ tiềm năng thách thức vị thế ... |
| Bầu cử Mỹ dưới góc nhìn của tầng lớp trí thức Trung Quốc: Khi 'vầng hào quang' dần phai nhạt Từng đánh giá cao sức ảnh hưởng của nền dân chủ Mỹ, tầng lớp tri thức Trung Quốc đang mất dần niềm tin đến cuộc ... |