Việc Thái Lan dừng dự án của Trung Quốc nhằm mở thêm tuyến đường thủy ở sông Mekong được xem là một chiến thắng hiếm hoi của các nhà hoạt động môi trường. (Nguồn: International Rivers) |
Quyết định của Nội các Thái Lan là đỉnh điểm của nhiều thập niên vận động bởi các cộng đồng người Thái sống dọc theo sông Mekong và các nhóm xã hội dân sự với sự hỗ trợ từ các nhà hoạt động môi trường vốn làm việc không mệt mỏi nhằm nêu bật những lo ngại về dự án do Trung Quốc lãnh đạo nói trên cũng như tương lai mà dự án sẽ mang lại cho sông Mekong.
Dự án nổ đá sông Mekong đã nằm trong chương trình nghị sự của Chính phủ Thái Lan trong gần 20 năm qua. Năm 2000, Trung Quốc, Myanmar, Lào và Thái Lan ký Hiệp định về vận tải đường thủy thương mại trên sông Lan Thương-Mekong.
Mục tiêu của thỏa thuận là loại bỏ những thác, gềnh trên những khúc sông Mekong thông qua việc nạo vét và cho nổ đá nhằm cho phép tàu thuyền tải trọng 500 tấn di chuyển quanh năm giữa tỉnh Vân Nam của Trung Quốc tới biên giới Thái-Lào và Luang Prabang ở Lào.
Theo AFP, Bắc Kinh từ lâu đã muốn cho nổ đoạn đất đá dài 97 km và nạo vét lòng sông ở miền bắc Thái Lan để mở ra lối đi cho những tàu hàng cỡ lớn.
Kể từ khi ký Hiệp định, dự án đã được thực hiện trên những khúc sông Mekong ở Trung Quốc, Myanmar và dọc theo biên giới với Lào tới tận biên giới Thái Lan ở vùng Tam giác Vàng.