Một con cá mái chèo dạt vào bờ biển. (Ảnh minh họa, nguồn: Animalspot.net) |
Ngày 5/10, một ngư dân Mexico đăng một video clip quay một con cá mái chèo lên mạng, với tiêu đề: “Cá mái chèo được tìm thấy ngoài khơi vùng biển Sinaloa của Mexico”. Trong clip, con cá vẫn còn sống trong thùng nước để trên một chiếc xe tải.
Trước đó, vào tháng 7/2022, một số ngư dân Chile cũng bắt được một con cá mái chèo. Con cá khá lớn, dài hơn 5m và có hình dạng xương xẩu đã bị mắc câu, sau đó được các ngư dân lôi vào bờ.
Hiện tại chưa có một công bố nào về mối liên hệ giữa cá mái chèo và động đất, nhưng sự xuất hiện liên tục của cá mái chèo tại một nơi nào đó thường khiến không ít người lo lắng. Bởi thực tế, trong năm 2010, ít nhất 10 con cá mái chèo đã nổi lên và bị trôi dạt vào vùng ven biển phía Bắc Nhật Bản. Sau đó, vào tháng 3/2011, trận động đất mạnh 9 độ Richter xảy ra đã làm rung chuyển vùng Đông Bắc nước này, kéo theo sóng thần mạnh giết chết gần 19.000 người và phá hủy nhà máy hạt nhân Fukushima.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Bảo tàng Florida (Mỹ), loài cá mái chèo, có tên khoa học là Regalecus glesne, có thể dài tới gần 10 mét. Chúng thường bị coi là “quái vật biển" do chiều dài bất thường và trông khá đáng sợ. Tuy nhiên, loài cá này không có răng và chỉ ăn nhuyễn thể, động vật giáp xác.
Cá mái chèo có cơ thể thuôn dài ánh bạc và vây màu đỏ, thường sinh sống dưới biển sâu và hiếm khi nổi lên mặt nước. Loài cá này được cho rằng, sẽ ngoi lên mặt nước trước khi trận động đất sắp xảy ra, do tính rất dễ tổn thương trước rung chấn ở những vệt đứt gãy dưới đáy biển.
Tuy nhiên, Giáo sư ngư học Hiroyuki Motomura ở Đại học Kagoshima, lý giải rằng. “Tôi cho rằng loài cá này thường bơi lên mặt nước khi điều kiện sống kém và bị dòng hải lưu đẩy lên. Do đó, chúng thường chết khi được tìm thấy".
"Nhưng chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng về mối liên hệ giữa cá mái chèo và động đất, vì vậy tôi nghĩ mọi người không cần quá lo lắng”, Giáo sư Hiroyuki nói.