Loài hổ Tasmania. (Nguồn: AFP) |
Hổ Tasmania, còn gọi là chó sói túi (tên gọi chính thức: Thylacine, tên khoa học: Thylacinus cynocephalus) là một loài thú ăn thịt có túi, có ngoại hình giống như chó hoặc chó sói, với nhiều sọc vằn trên lưng giống như loài hổ.
Theo Bảo tàng Quốc gia Australia, loài hổ Tasmania thời xa xưa từng sống ở khắp Australia, nhưng khoảng 2.000 năm trước, chúng chỉ còn trên đảo Tasmania. Cuối thế kỷ XVIII, có khoảng 5.000 con hổ Tasmania vẫn sống trên đảo này.
Vào giữa thập niên 1930, việc nhìn thấy hổ Tasmania trong tự nhiên là cực kỳ hiếm.
Có vóc dáng tương tự chó sói đồng cỏ Bắc Mỹ và là động vật ăn thịt có túi duy nhất sống ở thời hiện đại, loài vật này đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái bản địa.
Nhưng những nông dân Australia vào những năm 1800 đổ lỗi cho hổ Tasmania gây hại cho cừu, mặc dù trong hầu hết các trường hợp, thủ phạm là chó hoang và hậu quả của việc quản lý môi trường sống chưa đúng cách của con người. Họ đã dùng súng săn, bả độc và bẫy để tiêu diệt những con vật này đến mức làm chúng tuyệt chủng.
Con hổ Tasmania cuối cùng sống trong điều kiện nuôi nhốt, được đặt tên là Benjamin, đã chết năm 1936 tại Vườn thú Beaumaris ở Hobart, Tasmania. Benjamin bị bẫy trong thung lũng Florentine năm 1936 và được gửi đến Vườn thú Beaumaris để nuôi nhốt. Nhưng vào ngày 7/9/1936, Benjamin đã chết vì nhiễm lạnh do sơ xuất của nhân viên vườn thú, khi để con vật phải ngủ qua đêm ngoài trời trong điều kiện thời tiết lạnh khắc nghiệt.
Vào thời điểm đó, người ta thậm chí còn chưa biết rằng đây là cá thể hổ Tasmania cuối cùng còn sót lại trên Trái Đất. Mãi đến năm 1982, sau gần nửa thế kỷ tìm kiếm nhưng không có kết quả, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế mới chính thức tuyên bố về sự tuyệt chủng của loài này.
Nghiên cứu mới nhất của Đại học New South Wales cho biết, loài hổ Tasmania đã tuyệt chủng do bị “kết án” oan ức là bắt cừu của nông dân. Hàm của chúng khá yếu, do vậy, chúng không thể săn bất cứ con mồi nào to hơn một con thú có túi.
Dự án táo bạo
Các nhà khoa học Đại học Melbourne (Australia) đang nỗ lực hồi sinh loài thú này sau gần 100 năm bị tuyên bố tuyệt chủng.
Theo dự án táo bạo và đầy tham vọng này, các nhà khoa học sẽ sử dụng những tiến bộ trong di truyền học, truy xuất DNA cổ đại và dùng phương pháp sinh sản nhân tạo để mang loài động vật này trở lại.
Ông Andrew Pask, giáo sư Đại học Melbourne và là người đứng đầu Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Phục hồi Di truyền Tích hợp Thylacine cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ quan điểm rằng cần phải bảo vệ sự đa dạng sinh học của hành tinh khỏi sự tuyệt chủng tiếp theo. Đáng buồn là sự mất mát các loài hiện vẫn đang diễn ra”.
Ông nói thêm: “Công nghệ này mang lại cơ hội cứu vãn các loài, có thể được áp dụng trong những trường hợp đặc biệt khi các loài vật cơ bản mất đi”. Dự án trị giá 15 triệu USD, có sự hợp tác của tổ chức Colossal Biosciences, do doanh nhân công nghệ Ben Lamm và nhà di truyền học George Church của trường Đại học Y khoa Harvard (Mỹ) phối hợp thực hiện.
Kế hoạch gene di truyền
Dự án là sự kết hợp khoa học và công nghệ tiên tiến trong những lĩnh vực phức tạp như chỉnh sửa gene, xây dựng tử cung nhân tạo.
Đầu tiên, nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng một bộ gene chi tiết của loài hổ Tasmania và so sánh nó với bộ gene của họ hàng gần nhất của loài này hiện còn sống. Đó là một loài thú có túi ăn thịt có kích thước bằng con chuột được gọi là loài “chuột dunnart đuôi béo”, để xác định sự khác biệt.
Ông Pask giải thích: “Chúng tôi lấy các tế bào sống từ loài chuột này rồi chỉnh sửa DNA của chúng cho giống với DNA hổ Tasmania”.
Khi nhóm nghiên cứu lập trình thành công một tế bào, Pask cho biết, tế bào gốc và các kỹ thuật sinh sản liên quan sẽ “biến tế bào đó trở lại thành động vật sống”.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là khôi phục những loài này về tự nhiên, nơi chúng đóng những vai trò thiết yếu trong hệ sinh thái. Hy vọng của chúng tôi là một ngày nào đó bạn sẽ được nhìn thấy những chú hổ này ở vùng đất đầy bụi rậm của Tasmania một lần nữa”.
“Chuột dunnart đuôi béo” nhỏ hơn nhiều so với hổ Tasmania trưởng thành, nhưng Pask nói rằng, tất cả các loài thú có túi đều sinh con nhỏ, đôi khi chỉ nhỏ bằng hạt gạo. Điều này nghĩa là ngay cả một loài thú có túi cỡ con chuột cũng có thể làm mẹ thay thế cho một động vật lớn hơn nhiều như hổ Tasmania trong giai đoạn đầu.
Theo Giáo sư Pask, việc đưa hổ Tasmania trở lại nơi sinh sống cũ của chúng sẽ phải được thực hiện rất thận trọng.
“Cần nghiên cứu về loài động vật và sự tương tác của chúng trong hệ sinh thái qua nhiều mùa và ở những khu vực rộng lớn trước khi thả chúng về môi trường tự nhiên”, ông nói.
Nhóm nghiên cứu chưa đặt ra mốc thời gian hoàn thành cụ thể cho dự án, nhưng họ cho rằng quá trình này sẽ nhanh hơn nỗ lực hồi sinh loài voi ma mút lông xoăn, do việc khôi phục gene của loài voi mất nhiều thời gian hơn.
Các kỹ thuật này cũng có thể giúp các loài thú có túi còn sống, chẳng hạn như loài “quỷ Tasmania” (một loài thú có túi ăn thịt, hơi giống con chồn), tránh được số phận của loài hổ Tasmania khi chúng phải đối mặt với những đám cháy rừng ngày càng mạnh do khủng hoảng khí hậu.