Đười ươi Tapanuli ở Batang Toru, Indonesia đứng trước nguy cơ tuyệt chủng khi số lượng giảm nhanh. (Nguồn: ASEAN Today) |
Theo một nghiên cứu mới được công bố, những con vượn lớn Tapanuli hiện có thể được tìm thấy ở vùng núi Batang Toru ở Bắc Sumatra, Indonesia. Chúng chỉ chiếm hơn 3% môi trường sống tương đương vào cuối những năm 1800.
Chỉ còn ít hơn 800 con đười ươi Tapanuli ở Batang Toru. Con số này cũng đồng nghĩa với việc loài này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Nếu hơn 1% số lượng cá thể bị bắt hoặc di chuyển địa bàn sống mỗi năm, đười ươi Tapanuli sẽ trở thành loài vượn lớn đầu tiên tuyệt chủng trong thời hiện đại.
Dựa trên các ghi chép lịch sử từ khu vực, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những con vượn lớn này đã bị những thợ săn đuổi đến ngôi nhà hiện tại của chúng ở vùng núi Batang Toru.
Các tác giả cho biết đười ươi có thể di chuyển giữa nhiều môi trường khác nhau, bao gồm cả những vùng đất thấp để tối đa hóa cơ hội sống sót. Nhưng thực tế chúng vẫn bị mắc kẹt ở những vùng cao mà không phù hợp sinh sống.
Ngay cả môi trường sống đầy khó khăn mà đười ươi Tapanuli đang sinh sống cũng có thể sớm bị đe dọa bởi một nhà máy thủy điện mới, nằm trên sông Batang Toru ở Bắc Sumatra.
Nhà máy rộng 122 ha sẽ ngăn chặn một số quần thể đười ươi Tapanuli xen kẽ, điều này có thể dẫn đến giao phối cận huyết và hạn chế sự đa dạng di truyền của loài.
Tuy nhiên, công ty PT North Sumatera Hydro Energy (PT NHSE) đã tạm dừng xây dựng nhà máy do đại dịch Covid-19. Dự án cũng bị mất nguồn vốn chính từ Ngân hàng Trung Quốc, vì vậy việc xây dựng có thể bị đình trệ trong vài năm nhưng nó không phải là vĩnh viễn.
Trước thực trạng này, Erik Meijaard, một nhà khoa học bảo tồn và là người sáng lập nhóm bảo tồn Borneo Futures đã lên tiếng kêu gọi chính phủ, IUCN và Chương trình Bảo tồn Đười ươi Sumatra (SOCP) sử dụng thời gian tạm dừng này để khởi động một cuộc điều tra độc lập nhằm đánh giá mối đe dọa đối với đười ươi.
Trước đó, PT NHSE đã từng có đánh giá kết luận rằng nhà máy sẽ không đe dọa môi trường sống của loài vượn nhưng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) sau đó đã công bố báo cáo của riêng mình, phản bác đánh giá của PT NHSE là chưa đúng với tình hình thực tế.