Và các sản phẩm công nghiệp ở nước ta ra đời ngày càng nhiều, đa dạng về mẫu mã, màu sắc, công dụng... nhưng tính ứng dụng mỹ thuật của nó thì xem ra vẫn "chưa đủ độ chín" để cạnh trang trên thương trường quốc tế...
Xin đảo qua một vài lĩnh vực đang được coi là "nghề hot" ở Việt Nam hiện nay để có cái nhìn cụ thể hơn vấn đề này.
Thiết kế thời trang (TKTT)
Trước đây vì đời sống kinh tế còn khó khăn nên hầu như mọi người chỉ nghĩ đến chuyện "ăn no mặc ấm". Nhưng trong thời buổi hiện nay, người ta đã có điều kiện để được "ăn ngon mặc đẹp". Chính vì thế mà ngành TKTT trong khoảng 10 năm nay đã phát triển vô cùng mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu "mặc đẹp" của người tiêu dùng.
Nhiều nhà máy, xí nghiệp may mặc hình thành, sản xuất nhiều trang phục có mẫu mã, màu sắc phong phú với chất liệu vải nôi, ngoại nhập... đã dạng.
Bên cạnh những dòng sản phẩm cao cấp do các nhà TKTT chuyên nghiệp như Minh Hạnh, Liên Hương, Sĩ Hoàng, Lê Thanh Phương, Ngô Thái Uyên, Lê Minh Khoa... sáng tạo thì trên thị trường thời trang hiện nay vẫn còn tồn tại những sản phẩm mang tính "hàng chợ" do các nhà thiết kế nghiệp dư "lai tạo", "copy" từ nhiều nguồn tạp chí nước ngoài, trên các kênh truyền hình cable, mạng internet... để bỏ mối cho các shop, siêu thị... và dán cho những bộ trang phục này cái mác "rẻ-bền-đẹp".
Nhà TKTT Lê Thanh Phương bộc bạch: "Thực tế, có nhiều trường giảng dạy TKTT chưa được bài bản. Có những trường đưa các giảng viên đã lỗi thời, không theo kịp xu hướng thời trang đứng dạy kỹ thuật cắt may cho học viên. Bởi các trường này ngại tốn kém nhiều kinh phí cho việc mời các nhà thiết kế nổi tiếng trong và ngoài nước đến dạy. Về phía những nhà TKTT thì có những người chỉ sở trường về sưu tập - thiết kế các bộ cổ trang, trang phục truyền thống hoặc có một số khác lại thích sáng tạo tùy hứng trên các mẫu áo, đầm... pha nhiều màu sắc sặc sỡ, đính đủ thứ vật liệu lạ mắt lên để gây sự chú ý, nhưng không thể hiện được cá tính của mình trong đó".
Theo anh, ở nước ngoài thời trang cũng theo mốt trở lại nhưng chính những nhà thiết kế chuyên nghiệp đã cùng nhau ngồi bàn bạc, rồi mới đồng loạt đẩy mốt lên hoặc cải tổ mốt theo định hướng từng năm, từng giai đoạn, trong khi các nhà TKTT của ta chỉ chạy theo mốt, sáng tạo tự phát, rời rạc...
Do đó, mấy năm gần đây, TKTT trong nước bị chững lại, lẩn quẩn không có lối thoát và những người đoạt giải trong các cuộc thi lớn thì nhiều nhưng lại có ít người biết đến họ hơn những nhà TKTT trước kia...
Thiết kế xây dựng
Ngoại trừ một số khu đô thị mới được nước ngoài đầu tư xây cất bài bản, tân tiến như Khu Nam Thăng Long (Cipultra ở Hà Nội), Khu Phú Mỹ Hưng (TP.HCM), Khu công nghiệp Bình Dương... và một số khu Trung tâm thương mại, chung cư mới xây thì đa số nhà của tư nhân hiện nay tuy đa dạng về kiểu dáng kiến trúc, đầy đủ tiện nghi nhưng chưa tập hợp được thành những khu nhà đẹp đồng bộ, mang phong cách riêng của người Việt Nam.
Vì không có luật quy định về thiết kế kiến trúc nên nhà đẹp cũng như nhà xấu cứ đua nhau xây cao, thấp tùy ý, chìa ra, thụt vào lộn xộn. Không ít căn nhà được thiết kế rất đẹp mắt, trang trí nội - ngoại thất theo hàng hiệu đắt tiền có thể lên đến vài trăm triệu nhưng lại đứng chung với "xóm nhà lá", nhà tôn cấp 4 đang xuống cấp hoặc tọa lạc ngay trong khu chợ ồn ào, nhếch nhác, ngập nước...
Chưa hết, trên nhiều tuyến đường trung tâm trong địa bàn TP.HCM giờ đây luôn bị các công trình sửa chữa, cống, mở rộng đường xá, lắp đặt đường dây điện, viễn thông... bao bọc, rào chắn khắp nơi, làm mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông, kẹt xe vào giờ cao điểm.
Thiết kế quảng cáo (TKQC)
Ngành TKQC xuất hiện nhiều trên các kênh phương tiện truyền thông đại chúng như: báo, đài, internet, TV... với các sản phẩm cụ thể là phim quảng cáo, trang thông tin, trang web, bảng hiệu, hộp đèn, poster, banner, tờ rơi, brochure, catalogue, name card... nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt tới trình độ nghệ thuật quảng cáo cao cấp.
Nguyên nhân chính là do nhà TKQC đã thấm nhuần khẩu hiệu "Khách hàng là Thượng đế" nên sẵn sàng đáp ứng, chiều theo mọi yêu cầu của khách hàng, kể cả những "thượng đế" có con mắt thẩm mỹ kém, lơ tơ mơ về tính mỹ thuật trong quảng cáo nhưng lại muốn tạo ra những sản phẩm màu mè, cầu kỳ mà theo họ là "dáng đồng tiền bát gạo".
Kết quả là các nhà TKQC đã pha chế đủ các thứ màu: xanh, đỏ, tím, vàng và cho những câu slogan, tên thương hiệu, logo hay thậm chí là cả những dòng địa chỉ thật to, chen chúc nhau trên cùng một bảng hiệu để làm vừa lòng các "Thượng đế" thích cái gì cũng thật lớn, thật rõ.
Trăm người trăm ý tưởng, trăm ngàn kiểu "sáng tạo" trên biết bao loại bảng hiệu, hộp đèn, poster... to - nhỏ, ngắn - dài, vuông - tròn đa dạng, "nối đuôi" nhau từ trong hẻm cụt ra đến ngoài mặt phố.
Tất cả lên cao, thấp, thò ra, thụt vào, có khi lại treo lủng lẳng trên thân cây, ngọn cây trông thật khôi hài. Khác với TKQC của ta, các bảng hiệu quảng cao nước ngoài thể hiện đẳng cấp ngay từ việc xác định và tuân thủ chặt chẽ các quy định cần thiết trong TKQC như kích thước phù hợp, màu sắc hài hoà, co chữ cân đối, đưa thông tin vừa đủ... trên một tấm biển quảng cáo.
Hoạ sỹ Uyên Huy - Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM kiêm Trưởng khoa Mỹ thuật TPHCM nhận xét: "Hiện tại ở Việt Nam, có một số ngành nghề ứng dụng mỹ thuật rất tốt trên thị trường như thiết kế mỹ thuật trên sách báo, tạp chí... Nhưng ngược lại, cũng có một số lĩnh vực chưa khai thác được chức năng thật sự của yếu tố mỹ thuật. Chẳng hạn như một số tiết mục quảng cáo trên các kênh truyền hình thường tạo phản ứng ngược, gây rối loạn thị giác khán giả vì có quá nhiều hàng chữ hình ảnh quảng cáo nhảy lung tung xem ngang các bộ phim, làm khán giả không cảm thụ được âm nhạc cũng như thông tin quảng cáo theo kiểu đó mà chỉ tấy khó chịu vì phải chờ đợi để được xem tiếp chương trình yêu thích của mình. Nguyên nhân của tình trạng này một phần cũng là do ở nước ta hiện vẫn chưa có luật quảng cáo cụ thể".
Thực vậy, người xem luôn bị rối tinh, rối mù lên vì tốc độ nhảy hình ảnh, dòng chữ, lời giới thiệu quảng cáo quá nhanh, được tính theo từng giây, từng phút một.
Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng góp phần làm cho chất lượng thẩm mỹ công nghiệp của sản phẩm Việt Nam kém hơn các nước khác đó là việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ tiền để thuê các chuyên gia TKQC với mức lương cao nên họ đành chấp nhận cạnh tranh theo kiểu hàng chợ trong thị phần nhỏ của mình, lấy công làm lời, bán với giá rẻ...
Chỉ những công ty lớn, tập đoàn nước ngoài có vốn đầu tư nhiều,sẵn sàng bao trọn gói các kỹ thuật viên, hoạ sỹ TKQC có ý tưởng sáng tạo thẩm mỹ phong phú, tay nghề giỏi bằng mức lương cao và cho đi tu nghiệp ở nước ngoài...
Anh Thanh - chủ cửa hàng Thanh Thanh chuyên gia công, TKQC bảng hiệu, khắc chữ (nằm trên đường Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho,Q.1. TPHCM) - nhìn nhận: "Trong thời buổi kinh tế hội nhập, các loại hình sản phẩm công nghiệp nước ngoài du nhập hoặc liên doanh sản xuất tại nước ta thường bán giá cao hơn các mặt hàng trong nước nhưng chất lượng và tính thẩm mỹ trên sản phẩm của họ cao cấp, nên vẫn chiếm được thị trường tiêu thụ tại Việt Nam, thậm chí là bán rất chạy...".
Có thể nói, TKQC ở nước ta hiện nay đang ở tình trạng phát triển tràn lan nhưng chưa cao cấp.
Thiết kế sân khấu biểu diễn (TKSKBD)
TKSKBD thường theo 2 mô típ: một là nghiêng về TKSKBD truyền thống (tái hiện các vở kịch lịch sử, tuồng, chèo...), hai là theo kiểu TKSKBD hiện đại (ảnh hưởng dân khấu Tây phương, châu Mỹ... như trong liveshow của các ca sỹ, người mẫu thời trang, các cuộc thi hoa hậu...).
Song nhìn chung, dù ở loại hình TKSK nào thì ở nước ta vẫn có các đạo diễn sân khấu (các nhà TKSK) làm theo lối mòn, chắp vá... mô phỏng khập khiễng từ nhiều ý tưởng, mô hình sân khấu nước ngoài.
Có những sân khấu được đầu tư nhiều kinh phí dàn dựng công phu, hoành tráng với nhiều đèn chiếu, máy quay hiện đại đủ màu, đủ kích cỡ mà vẫn không làm bật lên được vẻ đẹp ấn tượng và phong cách riêng cần có.
Một số đạo diễn lại thích bố cục - trang trí sân khấu rườm rà, đánh đèn chiếu - bắn tia laser thật nhiều để tạo ánh sáng hào nhoáng, lộng lẫy nhưng lại hỗn loạn vì họ quên mất kỹ huật quy luật về thiết kế ánh sáng, thiết kế ảo giác đang "chỏi" nhau, chỉ làm lóa mắt người xem mà khán giả không chiêm ngưỡng được hết tổng thể các tầng ánh sáng trên sân khấu.
Chính nhạc sỹ Anh Khanh kiêm ông bầu ca sỹ thuộc Công ty TNHH Giải trí Anh Khanh, từng là đạo diễn sân khấu cho các chương trình lớn như Duyên dáng Việt Nam lần thứ 11 (2001), Lễ hội vũ điệu trâu vàng, Đêm Sài Gòn... cũng phải than: "... Qua nhiều tiết mục ca - múa nhạc trong các chương trình văn nghệ hiện nay, việc dàn dựng hoạt cảnh minh họa của đạo diễn sân khấu cũng "nghèo nàn ý tưởng" theo kiểu "trò chơi bày hàng".
Chẳng hạn khi dàn dựng một nhạc cảnh cho bài hát về mùa xuân, tiếng rao, xích lô, xe đạp... thì đạo diễn sân khấu lại đem cây mai, gánh hàng rong, xe xích lô, xe đạp lên sân khấu để minh họa. Hay cảnh một cô ca sỹ đứng hát nhạc trữ tình, nhẹ nhàng, sâu lắng bỗng dưng lại xuất hiện một đám múa chạy ra nhảy loạn xạ xung quanh cô ca sỹ đang hát nghiêm túc, trông thật khôi hài và không có tính thẩm mỹ chút nào!
Trong lĩnh vực TKSK - Điện ảnh, có nhiều đạo diễn nước ta làm không "Pro" do sự học nửa vời và sự sáng tạo nửa vời, không thể hiện được tầm nhìn cao trong cách làm nghệ thuật của họ. Tôi không đồng tình với suy nghĩ của những đạo diễn, nhà làm phim trong nước là hễ phim mang tính nghệ thuật thì không bán được, khó hiểu...
Nói như vậy chưa đúng bởi trên thế giới có không biết bao nhiêu bộ phim mang tính nghệ thuật vừa đoạt giải Oscar vừa mang lại doanh thu rất cao. Tôi nghĩ, TKSK cũng không cần phải có "những miếng mút minh họa" vì tự thân sân khấu chỉ là sàn diễn cho nghệ sỹ.
Nếu đạo diễn càng TKSK rườm rà, rởm đời thì càng nhấn chìm mọi khả năng diễn xuất của nghệ sỹ. Mô hình sân khấu thực ra chỉ đơn giản gồm lối đi, mặt bằng sân khấu, không gian cao thấp và ánh sáng để tạo độ sang trọng cho sân khấu nhưng người đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp phải biết cách tạo điểm nhấn trên bố cục tổng thể sân khấu, thiết kế sao cho đơn giản mà ấn tượng, nhìn là biết phong cách của mình.
Tôi cũng mong muốn việc dàn dựng sân khấu bên mình đúng như buổi hòa nhạc có ánh sáng và nghệ sỹ biểu diễn còn đạo diễn sân khấu chỉ là người kết nối các tiết mục liền mạch, hợp lý..."
Giải pháp nào để ứng dụng mỹ thuật hiệu quả vào đời sống?
Họa sỹ Uyên Huy - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM kiêm Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng của Trường ĐH Mỹ Thuật TP.HCM khẳng định: "Nếu muốn phát triển mang tính chất vĩ mô về mặt đào tạo mỹ thuật ứng dụng thì Nhà nước nên mở thêm nhiều trường dạy chuyên về mỹ thuật ứng dụng và phân các chuyên ngành này phù hợp với yêu cầu chung của thời kỳ mở cửa hội nhập.
Đồng thời, các trường này phải được đầu tư về cơ sở vật chất: kiến trúc hiện đại, trang thiết bị hiện đại, nội dung chương trình mang tính quốc tế hóa, cử người đi học các chuyên ngành năng khiếu để tham gia công tác giảng dạy.
Ngoài ra, Nhà nước nên mời những chuyên gia nước ngoài kết hợp với đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp trong nước nhằm thiết lập các hệ thống đào tạo liên thông giữa các trường mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam với các trường trong khu vực và trên thế giới.
Để thực hiện chiến lược đào tạo này, Nhà nước cũng nên phân công cụ thể cho một trong hai bộ: Bộ Giáo Dục - đào tạo hoặc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thực hiện".
Chị Lê Phương Mai - giảng viên khoa Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Kiến Trúc TP.HCM cũng bày tỏ mong muốn: "Hiện nay, có rất nhiều trường CĐ, ĐH công lập, dân lập đều mở khoa giảng dạy mỹ thuật công nghiệp nhưng vẫn mang tính manh mún, lẻ tẻ nên cũng mong Nhà nước thành lập hẳn Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp với quy mô lớn hơn...".
Theo Mỹ Thuật