📞

Lời giải nào cho bài toán sân khấu Thủ đô?

07:06 | 21/07/2017
Đã từ lâu sân khấu Thủ đô vẫn tồn tại trong bối cảnh vắng khán giả. Câu chuyện này thêm một lần lại được xới lên tại Hội thảo “Sân khấu Thủ đô với khán giả hôm nay”, vừa được Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức.

Chưa có “thuốc đặc trị”

Trên thực tế, việc khán giả thờ ơ với sân khấu là có thật. Đây là thách thức và bài toán khó giải đối với những người làm nghề tâm huyết và đầy trách nhiệm của sân khấu Thủ đô, bởi sân khấu không thể tồn tại khi không có khán giả. Dù sự thiếu vắng này bấy lâu nay đã được các tác giả, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và cả các nhà quản lý “bắt bệnh”, nhưng vẫn chưa thể tìm được “thuốc đặc trị”.

NSND Trần Quốc Chiêm – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng thừa nhận, hiện nay chất lượng chương trình, vở diễn có hay đến mấy thì ước mơ “cho đến ngày xưa” khán giả chật kín khán phòng sân khấu là chuyện vô cùng khó khăn.

Nhà văn – nhà viết kịch Nguyễn Hiếu thì cho rằng: “Thời gian qua, những người làm nghệ thuật sân khấu thiếu hẳn sự bứt phá, đổi mới trong lĩnh vực sân khấu, nên chúng ta không sao thoát khỏi tấm lưới bi kịch cho ngành kịch”.

Cảnh trong vở “Đứa con tội phạm” của Nhà hát kịch Hà Nội. (Ảnh: Thiên Bảo)

Khẳng định tầm quan trọng của khán giả, PGS.TS Trần Trí Trắc khẳng định: “Khán giả bao giờ cũng là thước đo sức sống của một nền nghệ thuật sân khấu. Nghệ thuật sân khấu Thủ đô phải làm cho khán giả Thủ đô thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của mình. Sân khấu Thủ đô chỉ vắng khán giả ở hình thức 'khán giả tự bỏ tiền mua vé đến rạp' và chỉ đói nghèo khi lấy 'lương cứng' ra làm chuẩn mực cho nhu cầu sống của nghệ sĩ hàng ngày”.

Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, hiện nay, các hình thức tiếp cận khán giả của sân khấu Thủ đô vẫn chỉ là manh mún, "gặp chăng hay chớ", khiến cho các nhà hát thiếu tính chiến lược, thiếu chủ động, thiếu tính chuyên nghiệp và khó đạt được những tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật đỉnh cao.

Làm sao khán giả chịu mở hầu bao?

Nhà viết kịch Chu Thơm cũng đầy trăn trở khi nói về vấn đề sân khấu thiếu vắng khán giả. Theo bà, đây là nỗi đau của những người hoạt động sân khấu. Nỗi buồn này cứ kéo dài, dai dẳng hết từ thập kỷ trước đến thập kỷ này. Đau xót vì sản phẩm được làm ra “rất đúng quy trình” mà chỉ được tham quan chứ không ai mở hầu bao ra mua, những buổi báo cáo vở diễn mới tràn ngập hoa chúc mừng, chật kín khán giả được mời đến nhưng sau đó thì không bán được vé.

Cùng quan điểm với nhà viết kịch Chu Thơm, nhà viết kịch Văn Sử cũng không khỏi xót xa khi nói đến vẫn đề này: “Lạ một chỗ, cũng với vở diễn vắng khán giả khi tổ chức bán vé, song nếu 'tháo khoán' hoặc biểu diễn không bán vé thì khán giả lại chen nhau đứng chật rạp để xem. Rõ ràng chủ trương 'tài trợ khán giả' bắt 'sân khấu đi tìm khán giả' vô hình trung đã khuyến khích một bộ phận khán giả không nhỏ chỉ quen và thích đi xem nghệ thuật không mất tiền. Để rồi họ không biết trân trọng thành quả của các nghệ sĩ, không trân trọng những giá trị nghệ thuật đích thực”.

Vẫn biết, muốn khán giả mở hầu bao mua vé vào rạp không phải là dễ. Nhưng những người làm nghệ thuật nói chung và sân khấu Thủ đô nói riêng vẫn đang cố gắng tìm ra các giải pháp để đến gần với công chúng hơn.

Tác giả sân khấu Đặng Hiển chia sẻ: “Đông đảo khán giả vẫn chờ chúng ta cống hiến cho họ những vở có giá trị, đáp ứng được yêu cầu thưởng thức của họ. Hãy tin vào khán giả, cũng như tin vào chính mình mà nâng cao chất lượng tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm. Đó là con đường hữu hiệu nhất để giành lại cho sân khấu hôm nay".

Vở diễn “Những người con Hà Nội" tại Liên hoan sân khấu Thủ đô. (Nguồn: VTV)

Đưa ra giải pháp cho sân khấu Thủ đô, PGS.TS Trần Trí Trắc cũng cho rằng, thường xuyên "đỏ đèn" chính là giải pháp cho thời kỳ "quá độ" với tinh thần "sân khấu nào khán giả ấy". Khán giả mới cần nghệ thuật sân khấu mới với phương pháp viết kịch, đạo diễn, diễn xuất và hình thức, nội dung theo marketing kiểu mới, phản ánh những vấn đề cơ bản mang tình thời sự hôm nay.

Theo nhà viết kịch Văn Sử, ngoài việc không ngừng nâng cao trình độ nghề nghiệp, các nghệ sĩ sân khấu đang hành nghề, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đơn vị nghệ thuật cần chủ động tự trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu về kinh tế thị trường, về doanh nghiệp, doanh nhân.

“Chỉ như thế, chúng ta, các nghị sĩ, các đơn vị nghệ thuật sân khấu Thủ đô mới có thể tự đứng vững và bước đi trên đôi chân của mình trên tiến tình xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật sân khấu vô cùng cam go để tiếp tục tồn tại và phát triển, để đông đảo khán giả lại nô nức đến rạp mua vé xem biểu diễn như thời hoàng kim”, ông nói.

NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội khuyến nghị, vấn đề tiếp cận khán giả và tạo được sức hút để khán giả đến với Nhà hát có ảnh hưởng sống còn đến sự phát triển bền vững của đơn vị. Thời gian tới, Nhà hát kịch Hà Nội sẽ quan tâm hơn đến công tác tổ chức biểu diễn, nghiên cứu thị trường, tăng cường hoạt động truyền thông marketing… để xây dựng một không gian văn hóa mang tính cộng đồng phục vụ người dân và khách du lịch nước ngoài.

Như vậy, những người làm nghệ thuật sân khấu Thủ đô và nhà quản lý đã cùng “bắt đúng căn bệnh” của sân khấu Thủ đô bấy lâu và mong rằng sẽ sớm tìm ra “thuốc” để chữa trị. Hy vọng, sân khấu Thủ đô sẽ sớm khỏe mạnh, hoạt động sôi nổi và không còn tình trạng vắng bóng khán giả trong tương lai không xa.