(Nguồn: Pinterest) |
Một buổi sáng, cố Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge đã nói với cô thư ký: "Chiếc áo cháu mặc hôm nay thật đẹp. Cháu có duyên lắm!".
Vị chủ nhân thứ 33 của Nhà Trắng vốn ít nói cho nên lời khen của ông thực sự làm cô thư ký bối rối, cảm động. Ông nói tiếp: "Nhưng cháu đừng lấy thế làm kiêu nhé. Và từ nay, khi đánh máy cháu hãy chú ý hơn tới những lỗi chấm câu".
Kể ra, lời khen và mục đích của ông Tổng thống già hơi “lộ liễu”, song không vì thế mà giảm tác dụng. Nhờ lời khen đó, cô thư ký đỡ tự ái vì câu sau và lời nhắc nhở tự nhiên thấm thía hơn. Ở đời, ai chả thích khen và khó chịu khi bị chê trách. Cho nên khiển trách sao cho người ta tiếp thu là cả một nghệ thuật.
Thiếu gì cơ quan, do lối phê bình gay gắt, bé xé ra to mà dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Nhiều ông chồng bà vợ chỉ vì đã nói khó nghe lại nói dai mà hạnh phúc tan vỡ. Ngoài đường không ít chuyện đánh nhau, thậm chí đâm chết người chỉ vì một cái va quệt xe và sau đó, từ câu “Tôi đúng anh sai”, nặng lời dẫn đến mức không kiềm chế được nữa.
Những câu “Ông nhầm rồi”, “Bà làm như thế là sai 100%”… thậm chí còn đỏ mặt tía tai tuôn ra những lời không xứng đáng hay những lời cạnh khóe cay độc thật là tai hại. Trước khi sửa người, cần khen ngợi mặt tốt của người ta và khi phân tích cái sai, cần an ủi rằng sai lầm đó người khác cũng có thể mắc nhưng cần phải sửa.
Cách đó cũng đồng thời thể hiện lòng nhân ái của người phê bình. Các cụ ta thật sáng suốt khi nhắc nhở con cháu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.