📞

Lối thoát nào cho EU trước cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung?

Ngọc Ân 15:27 | 18/09/2020
TGVN. Ngành công nghệ toàn cầu đang trở thành 'chiến trường' giữa Mỹ và Trung Quốc, nên Liên minh châu Âu (EU) cũng cảm thấy bị chèn ép trên con đường trở thành siêu cường an ninh và bảo mật trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington đang nắm giữ vô lăng của "con tàu" công nghệ thế giới.

Các nhà phân tích nhận định, tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ - bao gồm trí tuệ nhân tạo AI và nhận dạng khuôn mặt, đang thay đổi từng ngày, kèm theo những lo ngại về an ninh quốc gia. Thế nhưng, các nước châu Âu nắm bắt và phản ứng khá chậm trước xu thế này, cho dù gần đây đã có nhiều tín hiệu hiện khả quan, nhưng điều đó chưa thực sự đáp ứng kịp tốc độ toàn cầu.

Phát triển theo hướng kiểm soát an ninh công nghệ giúp EU thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: New York Times)

Châu Âu bắt nhịp quá chậm

Trước những tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc, EU thể hiện sự “nhạt nhòa” trên bản đồ công nghệ thế giới. Có thể thấy rằng, hiện nay, việc Huawei và TikTok (đều của Trung Quốc) liên lục vấp phải khó khăn từ phía Mỹ bằng những lập luận an ninh quốc gia đã khiến các nhà lãnh đạo, cơ quan quản lý và ngành công nghiệp châu Âu bị kẹt cứng giữa Bắc Kinh và Washington. Không những thế, châu Âu có nguy cơ chịu vạ lây từ đòn trừng phạt kinh tế nếu họ vô tình chọn một trong hai ông lớn làm đối tác.

Dù khá muộn, các nhà lãnh đạo châu Âu hiện đã bắt tay vào một dự án hướng tới “chủ quyền kỹ thuật số”, kết hợp các quy định nghiêm ngặt hơn để hạn chế sức ảnh hưởng của các công ty công nghệ nước ngoài và nỗ lực thúc đẩy, đổi mới ngành công nghệ tại địa phương.

Nhà phân tích Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách các vấn đề kỹ thuật số, đã gọi dự án trên là “giai đoạn mới” cho chính sách công nghệ trong khu vực.

Tuy nhiên, các chính sách đó sẽ mất nhiều năm để có thể thay đổi cán cân thế mạnh cho châu Âu, và liệu có thể thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ hoặc Trung Quốc?

Nguyên nhân tụt hậu

Lý do khiến EU tụt hậu công nghệ nằm ở chỗ, vấn đề an ninh vẫn gói gọn trong khuôn khổ trách nhiệm của từng quốc gia thành viên, chứ không phải của toàn bộ Liên minh.

Hơn nữa, EU tỏ ra thờ ơ trước sự đổ bộ của các công ty công nghệ Trung Quốc và Mỹ. Hầu hết các quốc gia châu Âu chỉ tuyên bố đơn giản rằng bất kỳ ai kinh doanh công nghệ trên lãnh thổ châu Âu đều phải tôn trọng các quyền và quy định của nước sở tại.

Đồng thời, do lục địa già thiếu việc thực thi những biện pháp chế tài cứng rắn nên vô tình để công nghệ nước ngoài nắm được những điểm yếu của chính sách an ninh quốc gia và kỹ thuật số.

Người châu Âu lo ngại mức độ an toàn về quyền riêng tư hơn là vấn đề bảo mật. (Nguồn: New York Times)

Một điểm yếu của châu Âu mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra nữa, đó là, hầu hết điện thoại thông minh phổ biến nhất thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ. Các nền tảng mua sắm trực tuyến và truyền thông xã hội lớn nhất cũng như các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo lớn nhất cũng do các công ty Mỹ và Trung Quốc nắm giữ.

Sự thiếu ảnh hưởng của châu Âu cuối cùng bắt nguồn từ sự khan hiếm doanh nghiệp công nghệ có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Các doanh nghiệp trong khu vực đã vắng mặt trong danh sách các công ty công nghệ có ảnh hưởng nhất thế giới kể từ sự sụp đổ của Nokia (Phần Lan) khoảng một thập kỷ trước.

Tương tự Nokia, các công ty châu Âu đã phải vật lộn với các vấn đề như thiếu vốn đầu tư, rào cản ngôn ngữ và văn hóa để phù hợp với tốc độ kinh doanh công nghệ hiện đang bị chi phối bởi thiết bị di động, dịch vụ Internet và các công cụ giao tiếp trực tuyến.

Hơn nữa, do không có nền tảng truyền thông xã hội lớn như Facebook hoặc Google (của Mỹ) nên đại bộ phận người dân EU bị giới hạn bởi các công nghệ nước ngoài.

Hầu hết người châu Âu không cảm thấy mối đe dọa bảo mật từ Tiktok, mà chỉ lo ngại xâm phạm quyền riêng tư vì chúng sử dụng cả công nghệ nhận dạng khuôn mặt và AI chưa được EU quản lý.

Nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc

Theo các chuyên gia, nếu không giành lại được chủ quyền kỹ thuật số, châu Âu có nguy cơ trở thành thuộc địa công nghệ của các nước lớn trong tương lai.

Do đó, EU cần duy trì song song không chỉ với tư cách là một siêu cường kinh tế toàn cầu, mà còn là "ông lớn" trong quản lý an ninh công nghệ.

Khi tốc độ phát triển công nghệ thay đổi nhanh chóng đan xen với các vấn đề an ninh quốc gia như hiện nay, châu Âu đang hướng tới vai trò trở thành cơ quan quản lý anh ninh mạng và công nghệ số toàn cầu nhằm tạo thế cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện châu Âu chưa thực sự sở hữu một thế mạnh công nghệ số cho riêng mình. Chính vì vậy, họ đang thực hiện chiến lược chuyển mình trở thành một "siêu cường" kiểm soát an ninh mạng của thế giới, đóng vai trò đầu tàu về trách nhiệm bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu bằng cách tận dụng thị trường đơn lẻ tiềm năng để đối trọng với các công ty công nghệ nước ngoài.

Marietje Schaake, Giám đốc chiến lược quốc tế của Đại học Stanford và là cựu thành viên của Nghị viện châu Âu cho biết, các nước EU cần phải cùng nhau hành động ngay từ bây giờ để tạo sự cạnh tranh bứt phá.

Thế nhưng, với nhịp độ quá chậm như hiện nay, sẽ rất gian nan để các quốc gia trong khu vực có thể bắt kịp những xu thế công nghệ trong tương lai. Châu Âu muốn nắm bắt, sở hữu trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác, nhưng điều đó vẫn còn ở mức độ hạn chế và chưa có mốc thời gian thực sự.

Trải qua nhiều cuộc thảo luận, một số nhà lãnh đạo châu Âu đang dần thống nhất quan điểm mua lại thị phần của các công ty công nghệ nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và Mỹ, nhưng dưới sự giám sát nghiêm ngặt của chính quyền nước sở tại.

Châu Âu cũng đã cố gắng tác động đến nền kinh tế kỹ thuật số thông qua quy định, áp dụng các quy tắc bảo vệ dữ liệu cứng rắn và nghiêm ngặt thực thi các luật chống việc xâm hại quyền riêng tư và an ninh quốc gia.

(theo New York Times)