Lữ hành có vai trò rất quan trọng trong ngành Du lịch, là đầu tàu liên kết và thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ du lịch. Hiện cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Thế nhưng, du lịch đóng băng trong thời gian dài do đại dịch khiến hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, nhiều lao động trong ngành phải nghỉ việc.
Lễ ký kết hợp tác du lịch giữa các Liên minh kích cầu du lịch tại Diễn đàn. (Ảnh: H.A) |
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn “Lữ hành Việt Nam 2021 - Giải pháp khôi phục và phát triển” vừa được Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tổ chức tại Flamingo Cát Bà Beach Resort (Cát Hải, Hải Phòng) nhằm tìm ra những giải pháp khả thi, thiết thực khôi phục hoạt động lữ hành, tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi của các dịch vụ du lịch, đưa Du lịch Việt Nam nhanh chóng trở lại vị trí của ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam...
Tái cấu trúc phát triển
Phát biểu tại diễn đàn quan trọng này, ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp lữ hành phải tái cấu trúc lại chính mình, phải thật nhuần nhuyễn trong quản trị doanh nghiệp, hiểu đúng khách hàng, xây dựng văn hóa riêng của doanh nghiệp. Đồng thời với hướng đi phù hợp sau Covid-19, lữ hành Việt Nam cũng cần liên kết với nhau để thu hút khách hàng, tập trung nâng cao nguồn nhân lực và ứng dụng số hóa để tối ưu nhân lực, tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Covid-19 không chỉ tàn phá nền kinh tế mà Covid-19 còn thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh du lịch. Là ngành nhạy cảm với xã hội, du lịch phải triển khai nhanh các công tác chuyển đổi số, ứng dụng nhanh các công nghệ hiện đại vào kinh doanh. Nhưng ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động du lịch cụ thể như thế nào là việc cần được trao đổi.
Đưa ra các biện pháp đổi mới phương thức quản lý lữ hành trong tình hình mới, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Hanoitourist chỉ ra những xu thế du lịch như: Phát triển du lịch bền vững; Tăng cường vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong phát triển du lịch cộng đồng; Chuyển đổi số trong lữ hành; Thị trường, sản phẩm du lịch và xúc tiến.
“Trên thế giới, công nghệ số trong lữ hành đã được ứng dụng rộng rãi và nhiều nền tảng số đã thâm nhập vào hoạt động của doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế các doanh nghiệp lữ hành đa số thuộc quy mô nhỏ và vừa chưa thực sự bắt kịp xu thế. Đại dịch Covid-19 sẽ quyết định và buộc các doanh nghiệp lữ hành muốn tồn tại lâu dài cần thiết chuyển đổi số phù hợp và hiệu quả”, ông Thắng nói.
Kích cầu là phao cứu sinh
Có thể nói, sau 9 năm đi vào hoạt động, Liên minh kích cầu du lịch ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò khi đã tạo được tiếng vang trên thị trường bằng hàng loạt các chương trình kích cầu lớn. Doanh thu, số lượng khách tăng trưởng vượt bậc. Nhiều sản phẩm ít ai biết đến nhờ kích cầu đã trở thành một xu thế, điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, hoạt động kích cầu cũng bộc lộ ra một số nhược điểm mà đến nay chưa được giải quyết được.
Để khắc phục, trong năm 2021, các đại biểu tại Diễn đàn đều thống nhất cho rằng hoạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn; cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá; cần có sự liên kết chặt chẽ của tất cả các bên từ cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ tại điểm đến, phương tiện vận chuyển cho đến công ty lữ hành, cơ quan thông tấn báo chí.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết kích cầu, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho rằng, để nâng cao hiệu quả của chương trình kích cầu thì cần có hoạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn thay vì chỉ diễn ra trong một giai đoạn nhất định. Ngoài ra, cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá và có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên...
Ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng đề xuất 8 giải pháp kích cầu như duy trì tốt công tác phòng, chống dịch để giữ gìn điểm đến an toàn; triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục hoạt động kinh doanh; tổ chức thí điểm hoạt động phục vụ phát triển kinh tế ban đêm thu hút khách; chuẩn bị các sản phẩm du lịch mới...
Nói về chính sách kích cầu, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho biết: “Hiện nay các chương trình kích cầu của các doanh nghiệp còn manh mún và nhỏ lẻ, chưa thực sự tạo được hiệu ứng lan truyền và chính sách giá chưa thực sự hấp dẫn. Điểm mấu chốt của kích cầu chính là giải quyết vấn đề về lượt khách, nên phải thực sự có một chương trình tạo được hiệu ứng lan tỏa cao”.
Thị trường nội địa vẫn là trọng tâm
Khi bàn luận đến hoạt động lữ hành quốc tế trong giai đoạn tới, ông Lại Minh Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu nâng tầm du lịch nội địa, đưa nội địa thành bộ phận chủ lực của du lịch Việt Nam.
Du khách trải nghiệm dịch vụ du lịch tại Cát Bà. (Ảnh: H.A) |
Phân tích về thị trường nội địa, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch giới thiệu sự phát triển nhanh các loại hình du lịch MICE - một loại hình du lịch kết hợp với hội nghị, triển lãm, các cuộc họp…, phát huy thế mạnh tài nguyên du lịch, nhằm nâng cao sự hấp dẫn và tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, việc phát triển du lịch MICE ở Việt Nam thời gian tới có rất nhiều cơ hội, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Để có được một ngành công nghiệp du lịch MICE chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế và phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội cần có sự quan tâm và nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội nghề nghiệp/doanh nghiệp và của cả cộng đồng.
Ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Saigon Tourist cũng nhấn mạnh, an toàn trong dịch bệnh là lợi thế khác biệt nhất của Việt Nam và du lịch Việt Nam hiện nay và sau đại dịch. Tuy nhiên, cùng với du lịch nội địa, hoạt động du lịch quốc tế cũng phải sẵn sàng bật dậy như một chiếc lò xo nén lại lâu ngày, tận dụng mọi cơ hội để “biến nguy thành cơ”, hồi phục hiệu quả nhất, trong thời gian sớm nhất.