Thủy Tiên gây được hiệu ứng tốt trong cộng đồng từ việc làm từ thiện của mình. |
Cảm xúc về miền Trung ruột thịt trong những ngày tháng 10 này lại nổi lên trong lòng người - vì bão lụt lại hoành hành người dân nơi đây. Trên 100 người chết do bão lũ, rồi nhà cửa, tài sản người dân ngập sâu trong nước hoặc trôi mất. Nước mắt người dân đã đổ và như thường lệ, tình người, sự san sẻ nỗi khổ niềm đau do tai ương của người miền Trung lại trỗi dậy trong lòng người dân cả nước.
Rất nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng ra kêu gọi, vận động hướng về miền Trung, tạo nên một hiệu ứng tốt đẹp, dù cả nước cũng vừa trải qua 9 tháng căng thẳng vì dịch bệnh Covid-19.
Tinh thần “lá lành đùm lá rách”, bầu bí thương nhau của người dân Việt lại thấm đẫm khi đồng bào gặp tai ương. Vì tất cả đều hiểu, mình không thể có hạnh phúc trọn vẹn khi người dân quê mình đang gánh chịu nỗi đau, mất mát.
Mỗi người trong dòng chảy cuộc sống là một mắt xích, ảnh hưởng qua lại. Trong một đất nước, nếu một vùng miền bị tang thương thì cả dân tộc cũng đau đớn, cũng như một con người nếu bộ phận nào đó bị bệnh thì cơ thể cũng khó an. Do vậy, việc mở lòng chia sẻ vừa là lòng thương còn là góp tay giữ gìn niềm an vui nơi mỗi người một cách thiết thực.
Tất nhiên, không phải ai cũng làm được việc vận động từ thiện, đôi khi vì thiếu uy tín, hoặc vì không có cộng đồng đủ lớn để kết nối cho việc chia sẻ đó.
Trong những việc tốt đẹp như thế này, những người nổi tiếng là những người có khả năng truyền cảm hứng, khơi gợi tinh thần tự nguyện nơi cộng đồng dễ hơn. Bởi lẽ trước đó họ đã được yêu mến. Và họ càng được yêu mến hơn khi bước ra khỏi bức màn nhung của mình để đến gần hơn với người dân cùng khổ.
Hình ảnh cô ca sĩ Thủy Tiên vượt mưa gió, đi trong mùa lụt ở các tỉnh miền Trung, đến từng nhà, gặp từng người để trao quà, trao tiền giúp họ trong thắt ngặt đã tạo nên cảm xúc tốt đẹp trong lòng người như thế. Vốn đã được yêu mến vì giọng hát, Thủy Tiên trở thành “cô tiên” trong hành trình thiện nguyện.
Tạo được lòng tin nơi công chúng từ những chương trình trước đó, lần này Thủy Tiên kêu gọi mọi người hướng về miền Trung, ngay lập tức nhận được sự cộng hưởng. Đã vậy, cô còn lội bùn lầy, nước ngập để đến an ủi người dân, công việc khó khăn không dễ làm ngay với nam nhi đó là điểm cộng - đã thêm sự quý mến, nể phục từ cộng đồng.
Hơn 100 tỷ đồng Thủy Tiên vận động trong thời gian ngắn đã nói lên sự cộng hưởng đó. Tuy nhiên, dù một người làm tốt bao nhiêu thì vẫn có những người “cật vấn” theo kiểu chống lại hoặc khiêu khích. Ngày nay, đối tượng đó chính là những “anh hùng bàn phím”, có khi chính danh nhưng cũng nhiều lúc là “nick ảo” được lập ra chỉ để công kích mọi chuyện trên đời này, kể cả đó là chuyện tốt.
Chẳng hạn, tại sao lại tùy tiện cho tiền như vậy? Sao cả trăm tỷ mà chỉ cho quà là mì gói với gạo, lương khô thôi?... Và như Thủy Tiên chia sẻ trưa 21/10 trên Facebook cá nhân, còn có nhiều lời khuyên khác cho việc xử lý số tiền từ thiện mà mọi người góp để cô thực hiện ở miền Trung.
Có người yêu cầu kê khai, minh bạch các khoản chi tiêu của hơn 100 tỷ đồng, Thủy Tiên thừa nhận là bất khả thi. Theo ca sĩ: “Thật sự tôi không đủ tiền trả cho êkip làm việc này. Đây là việc thiện từ tâm. Tất cả anh em đi theo tôi đều có công ăn việc làm ổn định. Họ bỏ việc, không lấy tiền công. Hàng hóa không thể mua từ công ty có hóa đơn chuyên nghiệp. Khi cho tiền chợ, tôi nhìn mặt từng người và hoàn cảnh mới cho... Không cách gì để mà thuê nổi người theo ghi rõ ràng từng khoản chút chút rồi về tính được”.
Người hâm mộ còn lo Thủy Tiên có thể gặp rắc rối khi giải ngân, đánh mất uy tín và danh tiếng gây dựng bấy lâu. Cô thẳng thắn: “Nếu như vì việc này mà mình không may mất hết, mình cũng vui vẻ chấp nhận. Vì mình tin rằng số lượng người được giúp cũng đáng để mình đánh đổi mà. Ai mà không đến lúc già đi và mất hết chứ”.
Trong thế giới ta đang sống, mỗi người được tự do chia sẻ ý kiến nhưng không phải tất cả mọi ý kiến đều chân thành góp ý mà là sự công kích; không phải ai nói cũng trên hiểu biết đầy đủ mà là tự suy diễn. Chính vì vậy, lý giải về việc trao tiền cho dân, ca sĩ Thủy Tiên đã nói: “Mọi người không đến tận nơi thì không thể hiểu được đâu. Người dân không đói đến mức không còn gì ăn, họ vẫn có hàng xóm và chính quyền giúp đỡ. Điều mình chứng kiến và ám ảnh là sự hoảng loạn của người dân khi họ mất hết, trôi hết đồ đạc nhà cửa. Gia súc gia cầm vay ngân hàng để làm ăn cũng mất hết rồi, tủi thân lắm. Cái chén cái nồi cũng không còn, nóc nhà, cửa, giường chiếu, gia cầm trôi hết, mất hết”.
Vậy đó, phải dấn thân mới hiểu được người dân khó khổ ra sao, trong lúc này họ cần gì, lúc khác họ mong được giúp ra sao thì việc làm mới mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu không, có tiền nhiều nhưng không giúp một cách căn cơ thì họ vẫn khổ, vẫn nghèo, mọi thứ cứ thế lẩn quẩn, lặp lại.
Hoặc có khi những thứ cần lại thiếu, một số thứ khác đã dư nhưng cứ được cho tiếp thành ra lãng phí. Việc dấn thân vào việc thiện, đến thực tế người dân vừa là câu chuyện của người làm từ thiện, nhưng cũng là lời khuyên cho những kẻ chỉ ngồi văn phòng, ôm bàn phím rồi có ý kiến thiếu tính xây dựng.
Với những “anh hùng bàn phím” như thế, có khi vì vậy lại vô tình gây xáo động lòng người, tổn thương những người làm việc thiện chân chính.
Nếu không thể làm một việc tốt trong lúc này thì việc tốt có thể làm, đó là chân thành tán dương những đôi chân không ngại khó, đôi tay đầy yêu thương bằng cách này, cách khác đã vươn đến người dân đang khổ vì thiên tai. Đó cũng là cách nuôi dưỡng lòng mình đẹp lên một cách âm thầm.