Lũ lụt ở miền Bắc: Nhiều địa phương bị cô lập trong biển nước và sạt lở đất
Kha Ninh
16:46 | 09/09/2024
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nhiều địa phương ở miền Bắc như Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Giang... bị lũ lụt 'tấn công', nhiều khu vực cảnh báo nguy cơ cao lũ quét và sạt lở.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 Yagi, tình trạng sạt lở đất và lũ lụt ở miền Bắc đã khiến giao thông bị chia cắt, cuộc sống của hàng nghìn người dân bị ảnh hưởng. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn, đến sáng 9/9, nước sông Kỳ Cùng trên báo động 2 1,5m; sông Trung trên báo động 3 1,7m; sông Bắc Giang trên báo động 3 0,7m… Trong ảnh: Thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn, bị nước lũ bao quanh. (Nguồn: Trang tin Văn Lãng)
TạiLạng Sơn, thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tính đến 7h sáng 9/9 cho thấy, bão lũ đã làm hai người chết. Hơn 1.000 nhà bị ngập lụt, hơn 5.200 cư dân tại các vị trí bị ngập lụt, sạt lở được di dời tới nơi an toàn. (Nguồn: Trang tin Văn Lãng)
Người dân tại thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định) cho biết nước dâng cao từ chiều 8/9 và hiện rút chậm do đây là vùng trũng. Nước lụt mấp mé tầng hai của nhà cao hai tầng, một số khu vực ngập tới bụng. Điện bị cắt, điện thoại người dân sắp cạn pin. Cứu hộ làm việc suốt đêm và đã đưa các gia đình đến nơi cao ráo. Trong ảnh: Lực lượng công an, bộ đội tỉnh Lạng Sơn đi vào các vùng lũ ngập lụt để đưa người dân và tài sản đến nơi an toàn. (Nguồn: Lạng Sơn)
Sắc tím cảnh báo lũ quét, sạt lở mức rất cao, phủ kín bản đồ phía Bắc. (Nguồn: Thông tin Chính phủ)
Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hoà Bình, tính đến 7h sáng ngày 8/9, ảnh hưởng của bão số 3 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã làm 4 người chết, 1 người bị thương do sạt lở đất; 1.228 hộ phải sơ tán; 146 hộ nhà dân bị ảnh hưởng và 1.488,9 ha hoa màu bị thiệt hại. (Nguồn: Thông tin Chính phủ)
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã khảo sát trực tiếp các điểm sạt lở trên địa bàn huyện Đà Bắc và đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình nạn nhân vụ sạt lở; động viên thân nhân gia đình sớm vượt qua đau thương, mất mát. (Nguồn: Thông tin Chính phủ)
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa to đến rất to. Tại thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa đã xảy ra sạt lở đất. Bước đầu ghi nhận có 4 người tử vong và 4 người mất tích, 9 người bị thương được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa. Những người thân còn lại đã được di chuyển đến nơi trú tránh an toàn. Trong ảnh: Mưa ngập đường, giao thông bị chia cắt tại Lào Cai. (Nguồn: Vietnamnet)
Tại huyện Mai Châu, do ảnh hưởng của bão số 3, từ đêm 7/9-7h sáng 8/9, một số điểm trên địa bàn huyện Mai Châu bị sạt lở, ngập lụt nghiêm trọng gây ách tắc giao thông, nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại trên địa bàn huyện. (Nguồn: Báo Thanh tra)
Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, từ đêm ngày 7/9 đến ngày 8/9, trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai xảy ra mưa to trên diện rộng. Tính đến nay, thiên tai đã làm chết 6 người, bị thương 9 người do sạt lở; 50 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại, hơn 248 ha sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại thuộc các huyện Văn Bản, Bảo Thắng, Bảo Yên. (Nguồn: TTXVN)
Nhiều vị trí thuộc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị sạt lở, một số công trình thủy lợi ở Lào Cai bị hư hỏng. Mưa to trên diện rộng khiến cho nước lũ trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang lên nhanh. (Nguồn: Thông tin Chính phủ)
Đêm 8/9, UBND tỉnh Yên Bái cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa kéo dài và các thủy điện ở thượng nguồn đồng loạt xả lũ nên đến 22h ngày 8/9, nước trên sông Hồng tại Yên Bái đã trên báo động 3, dâng ngập một số tuyến đường trên địa bàn các phường Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, TP. Yên Bái.
Nước dâng cao đã ngập vào nhà các hộ dân và ngay trong đêm, các lực lượng công an, quân đội đã hỗ trợ cùng người dân sơ tán người già, trẻ nhỏ và di chuyển đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn. Hiện nay, trên sông Hồng chảy qua Yên Bái lũ đang lên nhanh, mực nước lúc 21h ngày 8/9 là 32,98m, trên báo động 3. (Nguồn: Dân trí)
Trước đó, chiều 8/9, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đi kiểm tra thiệt hại, chỉ đạo các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Yên Bái. (Nguồn: Thông tin Chính phủ)
Tại Tuyên Quang, Sở Giao thông vận tải cho biết đến 7h sáng 9/9, ngập úng cục bộ tại: km84+140 quốc lộ 279, km113+100 quốc lộ 279, km85+800 quốc lộ 2C, km192+350 quốc lộ 37… (Nguồn: Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang)
Quốc lộ 2C tại Tuyên Quang bị lũ đẩy đứt đường tại km197+400, đơn vị quản lý đang đổ đá lưu thông tạm. (Nguồn: Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang)
Mưa lũ lớn sau bão số 3 khiến nhiều nơi ở Bắc Giang ngập lụt, nhiều địa bàn chìm trong biển nước và bị chia cắt, cô lập. Trên khu vực sông Thương, sông Lục Nam dâng cao, nguy cơ mất an toàn. Mặc dù trong điều kiện khó khăn song đêm ngày 8 và sáng 9/9, các lực lượng Công an huyện Lạng Giang đã tích cực phối hợp đắp hơn 1.000 bao đất chống tràn nhằm gia cố đoạn sạt lở 12m để bảo vệ sản xuất của nhân dân. (Nguồn: Bắc Giang Online)
Phần lớn địa bàn huyện Sơn Động và Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, bị chia cắt do nước lũ dâng cao. Tại địa bàn huyện Lục Ngạn các ao, hồ, sông, suối, ngầm, kè tràn nước lên nhanh, nhiều khu vực bị chia cắt cục bộ. (Nguồn: Vietnamnet)
Theo thống kê sơ bộ ban đầu, toàn huyện Sơn Động có hơn 300 hộ dân bị nước tràn vào nhà, trong đó nhiều nhà ở không an toàn, người dân phải di dời đến nơi khác. Có 2/3 số xã, thị trấn bị gián đoạn thông tin liên lạc do mất điện kéo dài, hệ thống viễn thông không ổn định. Một số nơi bị ngập sâu như các xã, thị trấn: Vĩnh An, Cẩm Đàn, Tuấn Đạo, Long Sơn, An Châu. (Nguồn: Vietnamnet)
Khoảng 10h, cầu Phong Châu, bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C bị sập nửa cầu, trôi toàn bộ hai nhịp thép. Cầu Phong Châu nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ. Cầu sập trong điều kiện thời tiết phức tạp, nước sông dâng cao. (Nguồn: Thông tin Chính phủ)
Lực lượng chức năng huyện Lâm Thao và Công an tỉnh Phú Thọ đã phong tỏa cầu, cứu hộ cứu nạn và điều tra nguyên nhân. (Nguồn: Thông tin Chính phủ)
Tại TP. Cao Bằng,mưa to khiến nước từ sông Hiến tràn vào đường Phố Cũ, phường Hợp Giang lúc 1h30 ngày 9/9, gây ngập lụt nghiêm trọng. Nhiều hộ gia đình phải sơ tán khẩn cấp. Lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt hỗ trợ người dân bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. (Nguồn: Cao Bằng)
Nước lũ cuồn cuộn đổ về thị trấn Bảo Lạc, Cao Bằng. (Nguồn: VnE)
Quốc lộ 4D đoạn qua Tam Đường, Lai Châu bị sạt lở làm tắc đường - Ảnh: Sở Giao thông vận tải Lai Châu. (Nguồn: Tuổi trẻ)
Tại Thái Nguyên, mực nước sông Cầu lúc 4h sáng 9/9 gần 2,8 m - cao hơn báo động ba 91 cm. Trong đêm qua, tỉnh đã huy động hàng nghìn người đắp đê ngăn lũ và di dời người dân đến nơi an toàn. Riêng tại phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên, đê sông Cầu xảy ra 5 điểm xung yếu cần phải gia cố. (Nguồn: Thanh niên)
Hàng trăm chiến sĩ quân đội, công an và người dân Thái Nguyên đã dùng đất cho vào bao tải để đắp đê, song do mực nước dâng cao, nhiều đoạn đã tràn vào khu dân cư gây ngập úng... Trong ảnh: Chung cư Tiến Bộ ở TP. Thái Nguyên bị ngập xung quanh, nhiều ô tô sắp chìm trong nước. (Nguồn: Truyền hình Thái Nguyên)
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thái Nguyên cho biết 55 phường, xã ở TP Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên, các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Định Hóa bị ngập. Cơ quan chức năng đã di dời khẩn cấp gần 2.000 hộ dân. Trong ảnh: Một góc phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên ngập nặng do nước lũ dâng cao, sáng 9/9. (Nguồn: VnE)
Tại Hà Giang, trong hai ngày 8 và 9/9, trên địa bàn tỉnh Hà Giang mưa to trên diện rộng khiến nhiều địa phương trong tỉnh bị ngập và sạt lở đất, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt. Trong ảnh: Mưa lớn gây sạt lở Km140 - QL 4C thuộc địa phận huyện Đồng văn. (Nguồn: TTXVN)
Nhiều hộ gia đình ở huyện Mèo Vạc bị mưa lũ làm sập nhà, cuốn trôi đồ đạc. (Nguồn: TTXVN)
Tại Hà Nội, từ nay đến ngày 10/9, trên địa bàn Hà Nội tiếp tục có mưa khiến mực nước trên sông Bùi, sông Tích lên cao. Cùng với đó là nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất tại nhiều huyện ngoại thành. Trong ảnh: Mực nước sông Bùi tại huyện Chương Mỹ đang ở mức cao. (Nguồn: Kinh tế đô thị)
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử của “kỷ nguyên vươn mình".