Sáng nay (28/6), Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về công bố 7 luật, bao gồm: Luật Quốc phòng, Luật Cạnh tranh, Luật Tố cáo, Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch và Luật An ninh mạng. Các luật này đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua.
“Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do, dân chủ”
Theo trình bày của Đại diện Bộ Công An, Luật An ninh mạng được Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thông qua với tỷ lệ 86,86%. Luật bao gồm 7 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Luật An ninh mạng được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn trong nước như VNPT, FPT, BKAV; cùng nhiều chuyên gia, tập đoàn kinh tế, viễn thông trong và ngoài nước. Trong đó có Facebook, Google, Apple, Amazon, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội điện toán đám mây châu Á và các cơ quan đại diện nước ngoài như Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản...
Trung tướng Hoàng Phước Thuận trình bày nội dung nổi bật của Luật An ninh mạng 2018. (Ảnh: Yến Nguyệt) |
Tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục An ninh mạng Hoàng Phước Thuận cho biết, An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật này quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng, cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
“Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu. Đây cũng là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”, Trung tướng Hoàng Phước Thuận nhấn mạnh.
Chương II của Luật quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Đây là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Luật An ninh mạng, thể hiện đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này. Chương này nêu ra các tiêu chí xác định, lĩnh vực liên quan, quy định các biện pháp như thẩm định an ninh mạng, đánh giá điều kiện, kiểm tra, giám sát an ninh mạng và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận cũng cho rằng, để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Chương III Luật An ninh mạng quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Ông đồng thời nhận định, hiện nay dữ liệu của người sử dụng Việt Nam trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan, với mục đích thu lợi nhuận mà Nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để quản lý. Thậm chí dữ liệu bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật.
Trả lời cho thắc mắc về kế hoạch triển khai luật này và việc ban hành các văn bản hướng dẫn để tránh tình trạng lạm quyền cũng như xâm hại đến quyền tự do của người dân, đại diện Bộ Công an cho biết: “Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do, dân chủ của người dân”. Đồng thời, ông Thuận cũng nhấn mạnh những điều không bị cấm và sẽ được nhà nước bảo hộ trên không gian mạng.
Vẫn tham khảo đơn thư tố cáo qua thư điện tử
Nói về sự cần thiết của Luật Tố cáo, đại diện Thanh tra Chính phủ cho rằng trong những năm qua, Luật tố cáo (2011) đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo. Luật này cũng giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung.
Nội dung cơ bản của Luật Tố cáo mới tiếp tục kế thừa quy định của Luật Tố cáo năm 2011, đồng thời bổ sung những điểm mới. Trong đó, có quy định quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, Luật Tố cáo năm 2018 sẽ khắc phục các hạn chế, khiếm khuyết của Luật Tố cáo 2011 đã dẫn đến tình trạng giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, ảnh hưởng trật tự, kỷ cương pháp luật.
Cùng với đó, ông Thanh cũng nhấn mạnh về Luật Tố cáo mới rất đầy đủ và toàn diện, quy định rõ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo.
Đặc biệt, Luật Tố cáo 2018 tiếp tục quy định hai hình thức tố cáo như luật cũ, là tố cáo bằng đơn thư và tố cáo trực tiếp. Đại diện Thanh tra Chính phủ cho rằng chưa tiếp nhận tố cáo qua thư điện tử do hình thức này rất khó xác minh và thiếu nhân lực để thực hiện. Nhưng các cơ quan tiếp nhận thông tin vẫn phải tham khảo, nghiên cứu và xem xét những đơn thư tố cáo qua thư điện tử.
Trình bày về Luật Quốc phòng năm 2018, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng - Thượng tướng Lê Chiêm cho biết sẽ bổ sung giải thích những từ ngữ như: Quân sự, chiến tranh nhân dân, phòng thủ đất nước, chiến tranh thông tin, thảm họa… Đồng thời, Luật cũng đã quy định đầy đủ, toàn diện chính sách nhà nước về quốc phòng nhằm bảo đảm công khai, minh bạch tính chất, mục đích quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân để bảo vệ Tổ quốc.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn chủ trì cuộc họp báo. (Ảnh: Minh Vũ) |
Đặc biệt, Luật Quốc phòng năm 2018 đã bổ sung quy định chính sách của nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Luật cũng đã bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc phòng, nhất là bình đẳng giới. Không chỉ vậy, Luật mới còn quy định đối ngoại là một trong những tiềm lực trong khu vực phòng thủ. Đây là sự phát triển mới, nhằm thể chế quan điểm của Đảng bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm. Luật bổ sung quy định khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội là một bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước để phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội và Luật Thủ đô. Đồng thời, Luật mới cũng bổ sung quy định về các biện pháp chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng…
Tổng kết sơ qua nội dung, ông Giang Sơn (Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước) mong rằng, qua các phương tiện thông tin đại chúng sẽ truyền tải nội dung chi tiết của 7 luật đến sớm và nhanh nhất đến các giai tầng trong xã hội. Qua đó, mọi người cùng hiểu và nắm được để có sự đồng thuận khi Luật có hiệu lực.