Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo về kết quả Kỳ họp nêu rõ, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia... |
Sau 3,5 ngày làm việc, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và tiến hành Phiên bế mạc vào sáng 18/1.
Tin liên quan |
Bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), phân bổ ngân sách cho các dự án trọng điểm |
Tại Kỳ họp, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, xem xét kỹ lưỡng và biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Những nội dung được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, là minh chứng cho tinh thần lập pháp vì dân.
Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 260 điều, hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp lần này góp phần bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, để bảo đảm triển khai đồng bộ Luật trên thực tiễn, khi trình dự thảo Luật, Chính phủ cũng trình kèm theo các dự thảo nghị định để hướng dẫn chi tiết thi hành.
Theo thống kê sơ bộ có khoảng 65 điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, số lượng dự thảo nghị định chỉ là dự kiến vì trong quá trình thi hành, số lượng này có thể tăng lên hoặc giảm xuống. Quan trọng nhất là nội dung phải hướng dẫn đầy đủ, có thể 1 nghị định hướng dẫn nhiều điều khoản của Luật.
Ông Phan Đức Hiếu bày tỏ mong muốn, sau khi Luật được thông qua, Chính phủ sớm có kế hoạch cụ thể để triển khai thi hành Luật trong đó xác định số nghị định phải ban hành, cơ quan nào làm đầu mối chủ trì, tham mưu soạn thảo các nghị định.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.
Một là các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng là công dân Việt Nam, kể cả định cư sinh sống ở nước ngoài; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số…
Nhóm vấn đề thứ hai là việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp như quy định thu hồi đất phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này được thiết kế mới, thể chế hóa đầy đủ Điều 54 Hiến pháp, tức là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, mở rộng các quy định liên quan đến cơ chế thỏa thuận về đất, chuyển mục đích sử dụng đất của những người đang có đất; mở rộng quỹ đất; quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu trao đổi tại cuộc họp báo. |
Nhóm vấn đề thứ ba là nâng cao hiệu quả sử dụng đất như đất sử dụng kết hợp đa mục đích; thu hẹp lại trường hợp phải xin phép khi chuyển mục đích sử dụng đất…
Nhóm vấn đề thứ tư về tài chính đất đai như: tách bạch vấn đề về định giá đất với chính sách hỗ trợ miễn giảm về đất; một số chính sách để ổn định tiền thuê đất như hoạt động đầu vào hoạt động sản xuất kinh doanh…
Nhóm vấn đề cuối cùng là nâng cao hiệu quả, hiệu lực về quản lý Nhà nước trong đó có nhiều quy định cải cách, cắt giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.
Bên cạnh đó, theo ông Phan Đức Hiếu, quan trọng nhất là nâng cao thông tin dữ liệu đất đai để người dân tiếp cận dễ dàng, phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh; có cơ chế tạo thuận lợi hơn cho người dân giám sát việc thực thi liên quan đến đất đai.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về ý nghĩa của Kỳ họp bất thường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ: Kỳ họp bất thường và Kỳ họp thường kỳ có giá trị pháp lý như nhau và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như nhau, thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Hơn nữa, với những vấn đề đã chín, đã rõ và được sự đồng thuận thì không có lý do gì không thông qua. Nếu để lại Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đến tháng 5 tới (Kỳ họp thứ 7) mới thông qua thì sẽ làm chậm sự phát triển, đặc biệt là quản trị quốc gia liên quan đến lĩnh vực này.
"Chúng ta đã quán triệt đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay tại phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV. Chủ tịch Quốc hội cũng thường xuyên quán triệt đó là: những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng thì đưa vào luật. Những vấn đề mới, nhiều ý kiến khác nhau, nếu thấy đúng thì làm thí điểm, còn những vấn đề có ý kiến khác nhau mà không cần thiết thì bỏ ra ngoài", ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, làm việc qua nhiều phiên, nhiều cuộc họp, hội nghị để xem xét, thảo luận thống nhất; những vấn đề chưa thống nhất chưa đưa vào và để tiếp tục xem xét thí điểm rồi mới quyết định. Việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý cũng rất thuyết phục.
Với tỷ lệ bỏ phiếu tán thành đối với hai dự án Luật đã phản ánh rất đúng độ khó và phản ánh tinh thần làm việc kỹ lưỡng, thận trọng.
Cấp đổi thẻ Căn cước mới từ ngày 01/07/2024: Những điều cần nắm rõ Những trường hợp nào phải cấp đổi thẻ Căn cước mới từ ngày 01/07/2024? Cấp đổi thẻ Căn cước mới có mất phí không? Mời ... |
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi): Khắc phục bất cập, hạn chế trong công tác lưu trữ hiện nay Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay cũng như ứng ... |
Giáo dục cần tạo ra những con người thích ứng và cạnh tranh thành công trong thời đại mới Nền giáo dục cần tạo ra những con người thích ứng, "đứng vững" và cạnh tranh thành công trong thời đại mới. |
Đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến về thu hồi đất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Sáng 15/01, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội thảo luận ở hội trường về ... |