Nền giáo dục cần tạo ra những con người thích ứng với thời đại mới. (Ảnh: Minh Hiền) |
Nhiều thành quả đáng tự hào
Năm 2023, ngành Giáo dục có nhiều hoạt động lớn, có ý nghĩa cũng như những thành quả quan trọng. Nổi bật chính là dấu mốc 10 năm toàn ngành thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; đánh giá việc triển khai Chương trình GDPT 2018 phục vụ công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Cũng trong năm 2023, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức 6 hội nghị vùng kinh tế - xã hội về phát triển GD&ĐT; từ đó ban hành 6 kế hoạch hành động để xác định nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD&ĐT cho từng vùng.
Đặc biệt, năm 2023, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến với giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học trên cả nước.
Nhiều hoạt động thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Bộ GD&ĐT hướng tới đội ngũ, chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo với những kết quả cụ thể, thiết thực. Đáng chú ý, việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thành xét thăng hạng được giáo viên ủng hộ; Chính phủ ban hành Nghị quyết giao Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo. Phương án thi tốt nghiệp THPT cho lứa học sinh đầu tiên học Chương trình GDPT 2018 cũng được công bố.
Hơn thế, nền giáo dục đã có bước chuyển mạnh mẽ từ nặng lý thuyết, nhẹ thực hành sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học. Triển khai Chương trình GDPT 2018 bước đầu chuyển biến tích cực, tạo nên sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên, học sinh và nhà trường.
Những năm qua cho thấy, chúng ta triển khai rất nghiêm túc và chất lượng giáo dục đã cải thiện rõ rệt chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Việc Bộ GD&ĐT lựa chọn hình thức thi tốt nghiệp THPT đã thể hiện rõ dấu ấn của đổi mới. Hai môn cơ bản Toán, Văn và 2 môn lựa chọn giúp thí sinh có cơ hội thêm tổ hợp phù hợp với năng lực của mình.
Đổi mới giáo dục đại học gắn với tăng cường tự chủ tạo động lực mới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, một số trường đại học của Việt Nam đã lọt top tốt nhất khu vực châu Á và thế giới. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước bảo đảm số lượng, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức đối với ngành Giáo dục vẫn còn không ít như đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất...
Theo ĐBQH. Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, năm 2023 vừa qua, ngành Giáo dục có nhiều nỗ lực trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện với những điểm sáng đáng khích lệ. Tuy nhiên, ngành Giáo dục vẫn còn rất nhiều công việc “ngổn ngang”, nhiều vấn đề nổi cộm đã tồn tại nhiều năm cần phải điều chỉnh như vấn đề dạy thêm học thêm, chuyện lạm thu, bạo lực học đường…
Thời gian qua, ngành Giáo dục đã có nhiều đổi mới cả về chất và lượng, đội ngũ giáo viên có nhiều sáng tạo trong dạy học. (Ảnh: Minh Hiền) |
Giáo viên phải "chuyển mình"
Ngày 25/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Trong đó, yêu cầu Bộ GD&ĐT tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, trên cơ sở đó đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88 trong năm 2025.
Ngành GD&ĐT đang triển khai công cuộc đổi mới một cách căn bản, toàn diện, chưa từng có đối với tất cả cấp học từ mầm non tới đại học, trong đó tập trung triển khai đổi mới sâu rộng đối với giáo dục phổ thông. Cụ thể, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, cần thực hiện nhiều yếu tố khác nhau, trong đó lực lượng nhà giáo có vai trò quyết định.
Bộ xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, là nền tảng bền vững, quyết định mọi thành công của GD&ĐT. Ngành Giáo dục vẫn đang nỗ lực nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo cả về lượng và chất. Có thể nói, đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà giáo, để mỗi giáo viên thay đổi bản thân, sáng tạo, trang bị cũng như tích lũy kiến thức và kỹ năng mới.
Khi mọi khoảng cách trong khoa học, công nghệ được thu hẹp, người trẻ có nhiều cơ hội học tập hơn. Để chuyển đổi số trong giáo dục thành công phải bắt đầu từ con người. Do vậy, giáo viên phải "chuyển mình", thay đổi để đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp trong thời đại mới. Cũng phải nhìn nhận rằng, bản thân giáo viên gặp không ít khó khăn, áp lực từ chuyên môn đến thu nhập. Nhiều giáo viên vẫn chưa sẵn sàng cho sự đổi mới, chậm thay đổi, chậm thích ứng. Cần thời gian để giáo viên hiểu được sứ mệnh của mình trong quá trình đổi mới. Tư duy "thi gì học nấy" tạo ra áp lực không nhỏ cho thầy cô. Trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phải bắt đầu từ đổi mới mục tiêu giáo dục. Từ đó, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho người học.
Thời gian qua, ngành Giáo dục đã có nhiều đổi mới cả về chất và lượng, đội ngũ giáo viên có nhiều sáng tạo trong dạy học. Bộ GD&ĐT cũng như các cấp, các ngành chăm lo giúp đội ngũ nhà giáo yên tâm dồn tâm huyết, công sức của mình nâng cao năng lực chuyên môn như cải cách tiền lương, sửa đổi một số điều để tuyển dụng và quản lý viên chức hay là ban hành Luật Nhà giáo. Các chế độ chính sách, lương giáo viên được quan tâm, cải thiện hơn nhiều. Ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng, cải tạo trường lớp, tạo điều kiện tốt nhất cho dạy và học của cô trò nhiều nơi. Việc đánh giá trong dạy và học cũng có nhiều chuyển biến tích cực, các vấn đề tiêu cực trong thi cử đang từng bước được cải thiện.
Theo nhiều chuyên gia, giáo dục đang ở thời đại mà mọi khoảng cách dần được thu hẹp. Điều quan trọng là làm sao để khuyến khích và coi trọng việc học tập suốt đời, để mọi học sinh đều có quyền tiếp cận bình đẳng với các cơ hội số. Làm sao để không còn giáo dục "đồng phục", xơ cứng, có tác hại đối với việc giáo dục; từ đó nhằm tạo ra những con người sáng tạo, thích ứng và cạnh tranh thành công trong thời đại mới.
Đồng thời, hy vọng về mô hình trường học hạnh phúc được nhân rộng, đem lại hạnh phúc cho cả thầy lẫn trò; để không còn xảy ra tình trạng bạo lực xảy ra trong học đường. Đời sống của nhà giáo ngày càng được cải thiện, nâng cao để thầy cô có thể yên tâm công tác giảng dạy, bởi “có thực với vực được đạo”.
| Điểm danh những dấu ấn giáo dục năm 2023 Trong năm 2023, ngành Giáo dục có nhiều thành tích nổi bật, nhiều điểm mới như bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo ... |
| Cuộc thi 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường': Minh chứng cho giá trị mà thầy cô dâng hiến Cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường đã minh chứng cho giá trị mà thầy cô và nhà ... |
| PGS. TS. Trần Thành Nam: Gen Z cần có khát vọng vươn lên để không bị 'hết hạn sử dụng' trong thời đại số Gen Z đang sống trong một thế giới quá tải thông tin, dẫn đến việc các bạn có tâm trạng hoang mang về học cái ... |
| GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Người thầy hiện đại cần thay đổi để thích ứng Người thầy hiện đại là người thầy phù hợp với thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của kỷ nguyên số. |