Sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tại đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung.
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 52 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.
Điện ảnh Việt Nam những năm gần đây đang có sự chuyển mình lớn mạnh. (Nguồn: Saostar) |
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua bao gồm: tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013; thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)… để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, với những thành tựu, kết quả đạt được, điện ảnh như một loại hình nghệ thuật, không chỉ góp phần làm phong phú thêm tinh thần người dân, mà còn xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Luật Điện ảnh năm 2006 tiếp cận phim, điện ảnh trên nền tảng truyền thống thay vì nền tảng kỹ thuật số như hiện nay, đồng thời, tiếp cận điện ảnh như một loại hình nghệ thuật. Trên thực tế, đây còn là một ngành công nghiệp văn hóa, thậm chí ở một số nước còn coi như một trong những ngành nghề kinh doanh mới nổi. Cần phải sửa đổi toàn diện, nhìn nhận điện ảnh không chỉ dưới tác phẩm văn học nghệ thuật mà còn ở sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa rất cao".
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xem xét hai vấn đề mấu chốt, bao trùm của việc sửa đổi Luật Điện ảnh: phải điều chỉnh các hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số để khuyến khích điện ảnh phát triển nhanh và phải tạo được hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị việc sửa đổi Luật Điện ảnh phải tạo ra hành lang pháp lý và chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là ngành văn hóa nghệ thuật, là ngành dịch vụ văn hóa, ngành kinh tế trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế về công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim...
Do đó, yêu cầu đối với luật khi ban hành phải tiếp tục thúc đẩy, phát triển nền nghệ thuật điện ảnh Việt Nam, vừa tiên tiến hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc và có uy tín với quốc tế; phải phục vụ tốt yêu cầu bảo vệ và đảm bảo quyền sáng tạo, quyền hưởng thụ giá trị văn hóa, nghệ thuật của người dân và cộng đồng; phải tạo ra khuôn khổ pháp lý để điện ảnh thực hiện tốt chức năng giáo dục, bồi dưỡng nhận thức, tư tưởng, thẩm mỹ cho quần chúng theo đường lối văn hóa, nghệ thuật của Đảng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu, bổ sung các chính sách để xây dựng, phát triển hệ sinh thái sản xuất phim, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn và thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển điện ảnh trong nước.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát quy định về công tác quản lý nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan đến thẩm định, cấp phép, phân loại, xuất khẩu, nhập khẩu, phát hành phim; cấp phép đối với phim, liên hoan phim, giải thưởng thuộc phim, chú ý cơ chế, chính sách cho điện ảnh, xây dựng phim trường, trường quay, đào tạo nguồn nhân lực cho điện ảnh.
| Chiêm ngưỡng những MV ấn tượng nhất của giải thưởng MTV VMAs 2021 Trở lại hình thức tổ chức truyền thống tại Mỹ, Lễ trao giải MTV VMAs 2021 gây ấn tượng mạnh từ những màn trình diễn ... |
| Liên hoan phim Venice 2021: 'Chàng thơ' Timothée Chalamet gây ấn tượng mạnh cùng bom tấn Dune Sau thành công với The French Dispatch tại Cannes, nam diễn viên Timothée Chalamet cùng siêu bom tấn Dune tiếp tục nhận được nhiều ưu ... |