Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá mới. (Ảnh minh họa) |
Tại Hội thảo trao đổi về Dự thảo 5 Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được tổ chức mới đây, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, Luật Doanh nghiệp (DN) hiện hành có nhiều quy định hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư. Đó là DN chỉ được quyền kinh doanh những ngành nghề đã đăng ký và ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.Điều này dẫn tới thực trạng, nhiều DN khi đăng ký thành lập đã kê khai quá nhiều ngành nghề kinh doanh, thậm chí danh sách này dài tới vài trang A4, nhưng thực tế DN chỉ kinh doanh một vài ngành nghề nhất định. Hậu quả tất yếu gây ra là hạn chế trong công tác thống kê, tạo ra số liệu ảo đối với những đơn vị điều tra xu hướng đầu tư, kinh doanh thị trường...
Để khắc phục những điểm yếu này, dự thảo Luật DN (sửa đổi) đã nới lỏng để DN thỏa sức kinh doanh. Khi đăng ký thành lập, DN chủ động đăng ký chính xác ngành nghề kinh doanh mà không cần phải mã hóa theo mã ngành kinh tế quốc dân. Khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy không ghi nhận toàn bộ ngành nghề đăng ký kinh doanh của DN mà chỉ ghi nhận ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
“Về bản chất, nếu dự thảo được thông qua, DN sẽ được kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Bên cạnh đó, trong vấn đề đăng ký ngành kinh doanh bổ sung sau khi hoạt động, luật sửa đổi cũng chuyển từ việc yêu cầu DN đăng ký ngành nghề trước rồi mới được kinh doanh sang việc cho phép DN chuyển hướng kinh doanh trước, sau đó đăng ký lại với cơ quan quản lý. Điều này giúp DN chủ động hơn, chớp thời cơ, loại bỏ những rủ ro kinh doanh”, ông Hiếu khẳng định.
Với khâu cải cách hành chính, nhiều ý kiến cũng cho rằng hiện nay thủ tục hành chính của nước ta hết sức thuận lợi và có thể nói chưa bao giờ việc cấp giấy phép đăng kí kinh doanh lại dễ như bây giờ. Do vậy, nhiều ý kiến cũng đặt ra câu hỏi sau khi có giấy phép kinh doanh chúng ta phải kiểm tra kiểm soát thế nào để doanh nghiệp kinh doanh thực sự có hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Hữu Sự - Phó tổng thư ký hiệp hội công thương Tp Hà Nội, điều quan trọng là vấn đề hậu kiểm, kiểm soát, theo dõi, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sau khi được đăng kí như thế nào, có tồn tại thực sự hay không hay chỉ mua bán hóa đơn mang tính lừa đảo hoặc trốn lậu thuế. Việc ra đời một doanh nghiệp không quan trọng bằng sự tồn tại, sự phát triển của doanh nghiệp đó. Quản lý Nhà nước phải làm vai trò kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Dự thảo Luật sửa đổi gồm 10 chương, với 220 điều. Dự thảo luật nhìn chung kế thừa và gần như giữ nguyên cấu trúc của Luật 2005 nhưng nhấn mạnh một số yêu cầu quan trọng như: bảo vệ cổ đông, tổ chức, giải thể DN; về công khai và minh bạch hóa thông tin; về vấn đề góp vốn, tăng vốn; mô hình quản trị DN và dành một phần để đề cập đến DN xã hội.
Đặc biệt, Luật quy định một số đối tượng không được quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam, gồm: cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang; cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân quốc phòng; cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các DN 100% vốn sở hữu nhà nước; người chưa thành niên; người đang chấp hành hình phạt tù và các trường hợp khác theo quy định của Luật về phá sản và phòng chống tham nhũng.
Luật cũng quy định rõ trình tự đăng ký DN một cách cụ thể đối với từng loại hình DN, đầy đủ từng bước để các đối tượng có nhu cầu tham khảo, thực hiện.
Phan Mích