PGS.TS. Trần Thành Nam cho rằng, Luật Nhà giáo tạo cơ chế thúc đẩy động lực và năng lực của đội ngũ nhà giáo. (Ảnh: NVCC) |
Đó là nhận định của PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội về dự thảo Luật Nhà giáo.
Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Dưới góc nhìn của ông, Luật Nhà giáo có vai trò như thế nào trong việc bảo vệ quyền lợi và nâng cao vị thế của nhà giáo Việt Nam?
Tôi cho rằng, Luật Nhà giáo đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị thế, vai trò, tầm quan trọng, đặc trưng nghề nghiệp của nhà giáo trong một hành lang pháp lý thống nhất, khắc phục những bất cập trong quá trình thực thi Luật Giáo dục, Luật Viên chức và các Luật khác có liên quan. Từ đó, nâng cao tính khả thi, hiệu lực và hiệu quả trong thực thi chính sách phát triển của đội ngũ nhà giáo, bảo đảm phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục trong phát triển đội ngũ, không phân biệt đối xử giữa nhà giáo trong công lập và dân lập, tư thục, đồng thời, tạo cơ chế thúc đẩy động lực và năng lực của đội ngũ nhà giáo.
Luật Nhà giáo cũng được kỳ vọng xây dựng khung khổ để bảo vệ và phát triển lao động đặc thù của nhà giáo trong bối cảnh chuyển đổi số, ứng dụng AI và hội nhập quốc tế. Một mặt, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo để đảm bảo chất lượng giáo dục quốc gia, mặt khác thu hút nhà giáo người nước ngoài đến cống hiến cho giáo dục Việt Nam, góp phần nâng giáo dục nước ta sánh vai với các nền giáo dục của các nước phát triển.
Kỳ 2: Bình đẳng giới trong phân công lao động - Chìa khóa đến từ người trong cuộc |
Tin liên quan |
Vậy ông đánh giá như thế nào về sự hoàn thiện của dự thảo Luật Nhà giáo so với thực tiễn và những yêu cầu mới của xã hội?
Tôi thấy bản dự thảo mới nhất của Luật Nhà giáo đã làm rõ định danh nhà giáo (gồm cả nhà giáo trong hệ thống công lập, ngoài công lập, người nước ngoài ), từ đó, làm đề xuất các chế độ, chính sách đồng bộ, có trọng điểm; xác lập lại sứ mệnh và vai trò nhà giáo; quy định rõ ràng và đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo.
Luật Nhà giáo đã xác lập và đề cao tính chuyên nghiệp của nghề dạy học, tạo động lực, cơ hội công bằng để tất cả nhà giáo được phát triển nghề nghiệp liên tục; làm căn cứ thống nhất để các cơ sở giáo dục tuyển dụng, đánh giá người thầy theo vị trí việc làm.
Luật cũng đưa ra những cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế về nhà giáo. Thực hiện phân cấp hợp lý giữa các cơ quan quản lý trong tuyển dụng, quản lý nguồn nhân lực nhà giáo hiệu quả vừa đảm bảo chất lượng giáo dục vừa đảm bảo tính tôn nghiêm của nghề dạy học.
Đồng thời, Luật cũng hoàn thiện khung khổ pháp lý đào tạo, bồi dưỡng và trách nhiệm của các bên liên quan, hướng tới xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, nâng cao chất lượng, bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo tại cơ sở giáo dục công lập và dân lập, tư thục đáp ứng bối cảnh CMCN 4.0.
Dự thảo Luật Nhà giáo quan tâm đến đời sống và điều kiện làm việc của giáo viên. (Ảnh: Minh Hiền) |
Một trong những vấn đề đang được quan tâm là chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo. Cần có những điều chỉnh gì để thu hút và giữ chân người tài trong ngành Giáo dục, theo ông?
Phải thừa nhận, dù ngành đã có nhiều nỗ lực nhưng các chế độ, chính sách hiện hành đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… chưa thực sự tương xứng với sứ mệnh, vị thế, vai trò của người thầy.
Đời sống của giáo viên còn khó khăn, chưa thể sống được bằng nghề. Tiền lương chưa thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt, nhất là nhà giáo trẻ và giáo viên mầm non. Nhà giáo chưa nhận được sự quan tâm, bảo vệ xứng đáng từ xã hội, nên còn xảy ra nhiều sự việc đáng buồn về cách ứng xử từ xã hội, từ phụ huynh, người học. Điều này dẫn tới tình trạng nhà giáo không an tâm công tác, một bộ phận không nhỏ đã bỏ việc, chuyển việc nhất là nhà giáo trẻ; khó thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.
Chính vì vậy, Luật lần này đã rất quan tâm đến đời sống và điều kiện làm việc của giáo viên qua đề xuất như lương theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất trong các ngành, lĩnh vực được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề; Phụ cấp khác theo quy định của pháp luật.
Hay nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực đặc thù được hưởng chế độ theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo. Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; công tác ở vùng khó khăn; dạy trường chuyên biệt, dạy trẻ khuyết tật, dạy tiếng dân tộc thiểu số, dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật.
Chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm nhà ở, chế độ phụ cấp, trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe định kỳ, sức khỏe nghề nghiệp và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo. Ngoài ra, chính sách thu hút đối với người có tài năng để trở thành nhà giáo hay chính sách thu hút nhà giáo về công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ (gồm các chính sách như ưu tiên tuyển dụng, vay mua nhà ở, chế độ phụ cấp và trợ cấp thu hút, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và các chế độ khác cho nhà giáo).
Bên cạnh đó, khuyến khích từng địa phương, từng cơ sở giáo dục có thêm những chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút nhà giáo. Quy định về quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo từ các nguồn xã hội hóa…
Hẳn là tác động tích cực của Luật Nhà giáo không nhỏ?
Có thể nói, dự thảo Luật Nhà giáo phản ánh chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, cập nhật xu thế thế giới để đáp ứng những quy định đặc thù cho nghề nghiệp nhà giáo. Như trên đã đề cập, những điều chỉnh liên quan công tác đào tạo bồi dưỡng đã tạo điều kiện cho nhà giáo cả công và tư được bảo đảm các điều kiện để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Biến đào tạo bồi dưỡng trở thành động lực tự thân của nhà giáo.
Bên cạnh đó, vị thế nghề nghiệp không chỉ giới hạn ở trong nước mà còn nâng tầm quốc tế, để nhà giáo sẵn sàng tham gia thị trường lao động các nước trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, huy động được các nguồn nhân lực quốc tế để phát triển. Quy định về trách nhiệm hỗ trợ tài chính cũng giúp cơ sở giáo dục có khả năng thu hút thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề chọn theo học tại trường sư phạm để bổ sung nguồn lực nhà giáo, tránh hiện tượng khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực.
Nếu coi nhà giáo là nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong nghề dạy học, họ cần được đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ, tôn vinh theo một kế hoạch chiến lược. Từ đó, bảo đảm có sự gắn kết giữa số lượng, năng lực, động lực và cơ cấu của đội ngũ nhà giáo với các mục tiêu và yêu cầu phát triển của giáo dục.
Xin cảm ơn ông!
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, nhấn mạnh đầu tiên đến việc ngành Giáo dục sẽ có sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo vì có chế tài pháp lý đủ mạnh để tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo thời gian qua, thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, giữ chân nhà giáo giỏi trong nghề. Từ đó, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục trên cơ sở chuẩn hóa nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Cùng với đó, nhà giáo sẽ được nâng tầm vị thế, vai trò, được xã hội ghi nhận, tôn vinh, được bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp; mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp; tạo điều kiện và quy định trách nhiệm đối với nhà giáo trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, luôn phấn đấu trong học tập, bồi dưỡng, không ngừng cập nhật kiến thức kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển không ngừng của giáo dục; góp phần nâng cao đời sống, giúp nhà giáo yên tâm công tác và tạo động lực để nhà giáo tận tâm cống hiến với nghề, trách nhiệm cao nhất với nghề. Tạo sự bình đẳng về cơ hội phát triển giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập. Lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập - không chỉ là người lao động theo cơ chế của hợp đồng lao động mà còn đầy đủ tư cách của nhà giáo. |
| GS. Huỳnh Văn Sơn: Hành vi giới trẻ – không nên đánh giá một chiều Đó là quan điểm của GS. TS. Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh về vấn đề lệch ... |
| 'Kỷ luật tích cực' để giảm hành vi lệch chuẩn của học sinh Việc quản lý hành vi lệch chuẩn của học sinh trong môi trường học đường đòi hỏi sự kết hợp linh hoạt giữa thấu cảm, ... |
| Mặt trái trong thời đại công nghệ 4.0 chính là sự ngập tràn những thông tin xấu, độc, những hành vi chưa đúng đắn của ... |
| Kỳ 1: Cần cơ chế, chính sách nâng cao đời sống lao động nữ Trước sự biến đổi không ngừng của thế giới, khoa học kỹ thuật, lao động nữ phải trên tâm thế sẵn sàng thay đổi, luôn ... |