📞

Lực đẩy kinh tế hậu Covid-19

TS. Nguyễn Minh Phong 20:00 | 04/09/2022
Việt Nam đang được nhiều tổ chức tài chính khu vực và thế giới coi là một trong những điểm sáng và là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm 2022.
Lực đẩy kinh tế hậu Covid-19 Việt Nam đang được nhiều tổ chức tài chính khu vực và thế giới coi là một trong những điểm sáng và là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm 2022.

Dự báo lạc quan

Theo dự báo công bố ngày 15/7 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 có thể chịu ảnh hưởng của năm yếu tố gồm: Khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể Covid-19 và các dịch bệnh mới; tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng quan trọng, để giúp ổn định tâm lý thị trường và “neo” kỳ vọng lạm phát; khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại - công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD...; khả năng tạo thêm cơ hội và kỹ năng cho lao động nữ, qua đó giúp tận dụng tiềm năng từ nhóm lao động này, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Theo đó, năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt mức 6,7-6,9%; xuất khẩu tăng 15,8-16,3; thặng dư thương mại từ 1,2-2,5 tỷ USD; lạm phát ở mức 3,7-4,0%.

Triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với nửa đầu năm theo dự báo của hầu hết các tổ chức quốc tế và trong nước.

Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 8/8, GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ tăng tới 7,5%, cao hơn so với mức dự báo tăng 5,5% đã đưa ra ngày 13/1 và mức 5,8% đã đưa ra vào tháng 6/2022. WB cũng dự báo lạm phát ở mức 3,8% trong cả năm 2022. Tức Việt Nam sẽ hoàn thành tốt cả hai mục tiêu về tăng trưởng GDP và lạm phát theo kế hoạch cho năm 2022 đã được Quốc hội và Chính phủ đặt ra.

Trong báo cáo phát hành cuối tháng 7/2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,5% trong năm nay và 6,7% trong năm 2023, trong khi hạ dự báo tăng trưởng khu vực châu Á xuống còn 4,6%.

Theo đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, năm 2022, GDP của Việt Nam sẽ tăng 6% (và tăng 7,2% trong năm 2023); công nghiệp tăng 9,5%; nông nghiệp tăng 3,5%, dịch vụ tăng 5,5%; xuất khẩu hàng hóa tăng 8-10%. Sự phục hồi của du lịch và lượng kiều hối bền vững sẽ hỗ trợ thặng dư tài khoản vãng lai, dự báo ở mức 1,5% GDP trong năm 2022.

Ngân hàng Standard Chartered mới đây dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III/2022 sẽ đạt 10,8%, còn cả năm đạt 6,7% (so với mức tăng thực tế 2,6% GDP trong năm 2021; 5,2% GDP trong quý IV/2021; 5,1% GDP trong quý I/2022 và 7,7% GDP trong quý II/2022).

Việt Nam đang được nhiều tổ chức tài chính khu vực và thế giới coi là một trong những điểm sáng và là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm 2022, do đã vươn mình trở thành một công xưởng sản xuất của thế giới, với tiềm năng phát triển kinh tế vững vàng và khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19; một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất trong các nước đang phát triển. Bởi vậy, khả năng đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát cả năm 2022 nêu trên có tính khả thi cao.

Động lực tăng trưởng

Động lực phát triển kinh tế Việt Nam dựa trên sự thành công của chiến lược tiêm phủ vaccine, tạo nền tảng quyết định giúp các hoạt động kinh tế-xã hội sớm bình thường hóa. Sự tăng tốc của khu vực chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ trên cơ sở khai thác các thành quả và cơ hội mới về cải cách môi trường đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế; gia tăng xuất khẩu và nhu cầu nội địa, đẩy mạnh thu hút FDI; khuyến khích đầu tư trong nước và tiếp tục chính sách tài khóa, nợ công linh hoạt… đã góp phần không nhỏ mang lại thành quả phát triển kinh tế-xã hội nước ta thời gian qua.

Ngoài ra, việc tham gia các FTA thế hệ mới và tuân thủ nghiêm túc các cam kết hội nhập cũng giúp Việt Nam cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế quan trọng, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Động lực tăng trưởng nửa cuối năm 2022 và thời gian tới còn được cộng hưởng bởi nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng chính phủ điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực; đồng thời, xúc tiến triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được Quốc hội thông qua ngày 11/1/2022, với tổng quy mô gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, động lực phát triển những tháng cuối năm 2022 và tới đây sẽ hội tụ mạnh hơn từ việc kích thích cả tổng cung và tổng cầu; cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cả về thể chế hành chính, về tín dụng và về tài chính cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngoài ra, việc tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; khai thác các cơ hội mới từ các FTA quan trọng (như CPTPP, EVFTA, RCEP…); hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới và mở rộng không gian kinh tế, tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu… cũng được kỳ vọng mang lại sức bật mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế nước nhà.

Song song với đó là việc không ngừng thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cũng là những động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội Việt Nam vững vàng hơn trong thời gian tới. Việc gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; phát huy giá trị văn hóa, con người; cải thiện năng lực bảo đảm an sinh xã hội và hệ thống y tế, tính tự chủ, sức chống chịu, sự thích ứng linh hoạt chính sách và bản lĩnh thị trường với các biến động mới trong nước và quốc tế sẽ là chất xúc tác lớn đưa nền kinh tế Việt Nam đạt được những thành tựu mới

Cần nhấn mạnh rằng, kết quả và triển vọng phục hồi kinh tế cả cấp vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài tùy thuộc quyết định vào sự chủ động hành động với phương châm năm 2022 mà Chính phủ xác định là “Phục hồi hiệu quả, Phát triển bền vững”. Việc phát triển kinh tế cần đảm bảo khả năng dự báo, thông tin, giữ vững lòng tin, hài hòa lợi ích, tránh cực đoan và cứng nhắc cả trong nhận thức và trong thực tiễn, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp hài hòa cả “bàn tay” nhà nước và thị trường, coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính hai mặt của các giải pháp chính sách hỗ trợ toàn diện, thích hợp, kịp thời, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần nhận diện và thích ứng linh hoạt, hiệu quả với các nguy cơ và những rủi ro đang gia tăng, đe dọa đến viễn cảnh phục hồi, bao gồm kiểm soát cả nợ xấu và nợ công; nguy cơ tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực; giá năng lượng tăng cao và giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục diễn biến bất lợi; các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn và gây khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu; các biến chủng Covid-19 mới tiếp tục xuất hiện…

Đặc biệt, để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm, coi trọng đầu tư cho hệ thống giáo dục, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục đại học, nâng cao chất lượng và sự phù hợp trong giảng dạy, nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực… như khuyến nghị của bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam.