Nhỏ Bình thường Lớn

Lực hút của Mặt Trăng ảnh hưởng đến lượng mưa trên Trái Đất

Các nhà nghiên cứu mới phát hiện lượng mưa rơi xuống bề mặt Trái Đất có liên quan tới lực hấp dẫn của Mặt Trăng đối với địa cầu.
luc hut cua mat trang anh huong den luong mua tren trai dat
Lực hấp dẫn của Mặt Trăng gây ra thủy triều trên Trái Đất và ảnh hưởng đến lượng mưa hàng năm. (Nguồn: Immortal News)

Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học trường Đại học Washington (Mỹ) vừa được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters (Mỹ), lực hấp dẫn (lực hút) của Mặt Trăng có một ảnh hưởng rất nhẹ đến lượng mưa rơi hàng năm.

Mặt Trăng là vệ tinh duy nhất của Trái Đất, và giữa hai thiên thể có lực hấp dẫn tác động qua lại lẫn nhau. Lực hút của Trái Đất giữ cho Mặt Trăng luôn chuyển động trên một quỹ đạo quay xung quanh địa cầu. Còn lực hút của Mặt Trăng tuy rất nhỏ nhưng cũng đủ gây nên hiện tượng thủy triều trên Trái Đất (sự thay đổi lực hút từ Mặt Trăng đối với một điểm bất kỳ trên bề mặt Trái Đất trong khi Trái Đất quay đã tạo nên hiện tượng nước triều lên và xuống vào những khoảng thời gian nhất định trong một ngày).

Khi Mặt Trăng ở vị trí cao trên bầu trời, lực hút của nó làm cho bầu khí quyển của Trái Đất “phình” ra đôi chút, dẫn đến những thay đổi nhỏ, khó có thể nhận thấy trong lượng mưa.

Tác giả nghiên cứu Tsubasa Kohyama đã phát hiện lực hút của Mặt Trăng gây ra một dao động nhẹ ở áp suất khí quyển. Sau khi nhận thấy sự thay đổi trong áp suất không khí, ông Kohyama và đồng tác giả nghiên cứu John Wallace đã mất vài năm để nghiên cứu hiện tượng này và phát hiện ra lực hấp dẫn của Mặt Trăng làm mưa rơi ít hơn.

Theo các nhà nghiên cứu Kohyama và Wallace, sức hút của Mặt trăng chỉ có tác động rất nhỏ, khoảng 1%, tới lượng mưa rơi. Tác động này nhỏ đến mức con người không nhận thấy, và cũng quá nhỏ để ảnh hưởng đến các yếu tố khác của thời tiết.

Ông Kohyama cho biết, phát hiện mới này có thể là nghiên cứu đầu tiên để "kết nối một cách thuyết phục lực hút của Mặt Trăng đối với lượng mưa trên Trái Đất".

Trung Hiếu (tổng hợp)