Trong 14 tháng thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Trung úy Sa Minh Ngọc - Trợ lý Phòng Công tác địa bàn, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, đồng đội gồm 63 người, trong đó có 10 nữ quân nhân, đã cùng nhau trải qua nhiều kỷ niệm vui buồn và cả khó khăn.
Với Minh Ngọc, khoảnh khắc đáng tự hào nhất là khi các em nhỏ Nam Sudan thi nhau chạm tay vào lá cờ Tổ quốc mà họ mang theo trên đường hành quân. (Ảnh: NVCC) |
Điều kiện sinh hoạt khó khăn
Ở một đất nước như Nam Sudan, các sĩ quan lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc phải trải qua sự khắc nghiệt về thời tiết, điều kiện sinh hoạt và những đặc thù của công việc.
Đặc biệt, đối với một người phụ nữ như Minh Ngọc thì những khó khăn, vất vả này lại tăng lên gấp bội. Nước sạch ở Nam Sudan hết sức khan hiếm. Vào mùa mưa, các sĩ quan phải đối mặt với nhiều loại bệnh dịch nguy hiểm, điển hình là sốt rét. Để phòng ngừa sốt rét, mỗi sĩ quan được cấp thuốc mỗi ngày một viên và phải uống vào khung giờ nhất định để bảo đảm không bị bệnh. Tuy nhiên uống thuốc ngừa sốt rét trong một thời gian dài và liên tục như vậy ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của các sĩ quan. Dù vậy, mọi người thường xuyên động viên, an ủi nhau nỗ lực vượt qua hoàn cảnh.
Bản thân Minh Ngọc tự rèn luyện cho mình lối suy nghĩ tích cực. Chị nhận thấy mình là một phụ nữ may mắn khi luôn có sự ủng hộ, động viên của gia đình từ xa và cả những đồng đội tuyệt vời ở bên cạnh. Minh Ngọc chia sẻ đây chính là động lực giúp những sĩ quan của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vượt qua khó khăn, thử thách nơi tiền tuyến.
Trung úy Sa Minh Ngọc khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Ảnh: NVCC) |
Niềm vui nhỏ, hạnh phúc to
Bên cạnh cùng nhau vượt qua những khó khăn như sự khắc nghiệt của thời tiết, bệnh dịch, hay thiếu thốn nước sinh hoạt... thì các sĩ quan luôn cố gắng tạo ra những niềm vui, hạnh phúc nho nhỏ cho mọi người.
Gần đến Tết, Minh Ngọc và đồng đội tập trung dọn dẹp, trang trí phòng ở chuẩn bị đón Tết xa nhà. Ai có gì góp nấy, người giỏi nấu ăn thì làm đồ ăn, người biết đàn ca thì góp tiếng hát… Với chút tài lẻ hội họa, Minh Ngọc trang trí lên cửa kính bánh chưng, dưa hấu, tràng pháo và hoa đào cho giống không khí đón Tết ở Việt Nam.
Xa nhà vào đúng dịp Tết cổ truyền, những người quân nhân dù luôn cười nói vui vẻ nhưng ai cũng có nỗi niềm riêng. Tối tối khi tụ tập ở khu vực tukul (khu nhà chung theo tiếng địa phương), những sĩ quan lại cùng nhau chia sẻ, tâm sự về gia đình, nỗi niềm của mỗi người.
Khi đó, Minh Ngọc nói rằng: “Chúng ta 63 người như 63 đường thẳng giao nhau tại một điểm là Nam Sudan, sau đó mỗi người lại mỗi hướng không biết bao giờ mới có thể gặp lại”.
Đến giờ, khi đã hoàn thành nhiệm vụ về nước vào cuối tháng 11/2019, đôi lúc xem lại những bức hình ở Nam Sudan, Minh Ngọc càng thấy thêm trân quý những giây phút bên những đồng đội, tuy thiếu thốn về điều kiện vật chất nhưng đầy ắp tình đồng chí.
Trở về Việt Nam, Minh Ngọc vẫn canh cánh trong lòng vì không có nhiều cơ hội để gặp gỡ, tiếp xúc và giúp đỡ người dân địa phương Nam Sudan. Theo quy định của Liên hợp quốc, các sĩ quan trong phái bộ không được tiếp xúc với người dân, cơ hội duy nhất là qua các chương trình điều phối quân dân sự do phái bộ và căn cứ tổ chức.
May mắn là gần cuối nhiệm kỳ, Minh Ngọc và các chị em có dịp gặp gỡ các em nhỏ Nam Sudan để gửi tặng những quyển vở vẽ, bút màu mà họ chuẩn bị từ trước.
Minh Ngọc cùng các chị em tặng vở vẽ cùng bút màu cho các em nhỏ Nam Sudan. (Ảnh: NVCC) |
Tự hào hai tiếng Việt Nam
Theo Minh Ngọc, được đóng góp sức lực nhỏ bé của bản thân vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là niềm vinh dự và tự hào không chỉ của riêng cá nhân chị mà còn là của cả những đồng đội khác. Trước khi lên đường tới Nam Sudan, họ đã có lời thề danh dự trước lá cờ Tổ quốc, nguyện đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó.
Nữ Trung úy chia sẻ rằng, chị cũng có những lúc yếu đuối, nhớ nhà. Những lúc như vậy, chị và các đồng đội chỉ biết nhìn vào lá cờ Tổ quốc mà nhớ về lời thề danh dự trước khi lên đường. Theo Minh Ngọc, bên cạnh sự ủng hộ, động viên của gia đình, đồng đội, thì niềm tự hào dân tộc chính là động lực lớn nhất giúp chị vượt qua những khó khăn, thử thách tại đất nước này.
Với Minh Ngọc, những khoảnh khắc đáng tự hào là khi các em nhỏ Nam Sudan thi nhau chạm tay vào lá cờ Tổ quốc mà họ mang theo trên đường hành quân, là khi các em tập phát âm và hô to hai tiếng Việt Nam, hay là khi nhận được những lời động viên từ quê nhà của người dân Việt Nam.
Nữ Trung úy có thói quen khi rảnh rỗi thường vào các trang báo mạng Việt Nam để đọc tin tức. Chị thường đọc hết các bình luận ở dưới mỗi bài báo hay clip được đăng tải về lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam. Nhớ lại cảm giác xúc động khi đọc được bình luận của một em nhỏ nói rằng “Khi con lớn lên cũng muốn được làm giống các cô, các chú, được phục vụ cho đất nước”, Minh Ngọc cho rằng đó chính là niềm hạnh phúc vô giá, là niềm vinh dự, sự tự hào dân tộc không phải ai cũng có được.
“Thời gian thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan đã giúp tôi trưởng thành, hoàn thiện cả về thể chất lẫn nhận thức. Nam Sudan là một phần thanh xuân, là niềm tự hào và sẽ luôn giữ một vị trí quan trọng trong trái tim tôi. Tôi tin là những đồng đội của tôi cũng cùng suy nghĩ như thế”, Minh Ngọc nhấn mạnh.
Trung úy Sa Minh Ngọc, Trợ lý Phòng Công tác địa bàn, Cục GGHB Việt Nam. Nguyên Sỹ quan hành chính, Phụ trách Phòng Tác chiến của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, đơn vị đầu tiên mà QĐNDVN triển khai tới Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan. Các danh hiệu được nhận: Điển hình tiên tiến toàn quốc trong xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh giai đoạn 2009 – 2019, Huân chương vì sự nghiệp GGHB LHQ năm 2019, Gương mặt trẻ tiêu biểu Bộ Tổng Tham mưu 2019, Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2019. |